Khủng khiếp vấn nạn xăng dầu giả hoành hành

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù cơ quan công an mở nhiều đợt truy quét, xử lý vấn nạn xăng dầu giả, thế nhưng, tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả vẫn chưa “hạ nhiệt”. Điều này dẫn đến những hệ lụy mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi tiêu thụ phải xăng dầu giả.

Thủ đoạn tinh vi trong pha chế, buôn bán xăng giả

Ngày 22/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Võ Hoài Phương (38 tuổi, trú tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Gia Khiêm; Trần Văn Hiếu (47 tuổi) và Nguyễn Phúc Hoàng (28 tuổi), cùng tạm trú tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do liên quan đến hành vi pha chế, buôn bán xăng giả.

Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Gia Khiêm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Công an Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Gia Khiêm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Công an Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo điều tra ban đầu, sau thời gian theo dõi, tối 18/6 các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt quả tang Trần Văn Hiếu và Nguyễn Phúc Hoàng đang bơm hóa chất từ xe bồn xuống hầm chứa xăng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu Gia Khiêm Vũng Tàu (địa chỉ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ lời khai của Hiếu và Hoàng, cơ quan điều tra bắt khẩn cấp đối với Võ Hoài Phương. Với các tài liệu và chứng cứ thu thập được, tất cả đã thừa nhận hành vi.

Võ Hoài Phương khai nhận đã thuê người làm thêm hệ thống bồn chứa xăng gồm bồn nổi và bồn chôn ngầm dưới đất, cùng hệ thống máy bơm công suất lớn (hệ thống máy này không nằm trong thiết kế của cây xăng đã được cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC) để tích trữ, nhập, xuất xăng dầu. Sau đó, anh ta trực tiếp chỉ đạo các lái xe của công ty chở xăng, hóa chất từ nơi khác về đổ vào các bồn được làm thêm, mua chất tạo màu và hướng dẫn nhân viên cách pha trộn xăng, hóa chất.

Trước đó, ngày 5/5, Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) cùng với Công an huyện Sóc Sơn đã phát hiện một hộ dân tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) dự trữ hàng nghìn lít xăng dầu trong vườn nhà, khi đi kiểm tra đột xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, hộ này đang bán lẻ xăng dầu. Kiểm tra thực tế cho thấy, tại đây có khoảng 1.170 lít xăng được chứa trong 6 thùng phuy có dung tích 200 lít/phuy; 1.950 lít dầu diezel chứa trong 10 thùng phuy. Toàn bộ xăng dầu trên chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Đội Quản lý thị trường số 10 đã tạm giữ toàn bộ số lượng xăng dầu trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Có hình thức xử lý phù hợp, nghiêm minh

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Liên quan đến tình trạng kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt thiết yếu và quan trọng đối với đời sống hằng ngày. Hầu như mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến sinh hoạt đều liên quan đến xăng dầu.

Xét về vĩ mô, xăng dầu có tầm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của cả một quốc gia. Một xã hội, một quốc gia không thể vận hành được nếu thiếu đi năng lượng mà trong năng lượng không thể không kể đến vai trò đặc biệt của xăng dầu. Do đó, xăng dầu giả gây ra nguy cơ rất lớn đối với xã hội.

Xăng dầu giả trước hết gây thiệt hại về tài sản cho người tiêu dùng và DN. Thiệt hại không chỉ là số tiền bỏ ra để mua xăng mà còn là thiệt hại do xe cộ, máy móc bị hư hỏng do chạy bằng xăng dầu giả kém chất lượng. Đối với một DN, xăng dầu giả có thể phá hỏng cả một dây chuyền sản xuất, phá hỏng cả một nhà máy và thiệt hại về tài sản nó gây ra là không thể đong đếm hết được.

Đấu tranh với xăng dầu giả luôn đặt ra nhiều khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là người tiêu dùng không thể nào tự mình nhận biết được xăng dầu là giả hay thật. Khi người ta mua xăng về sử dụng mà xe không chạy, máy không nổ hoặc bị hư hỏng thì họ mới có thể tìm ra nguyên nhân là do xăng dầu giả.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến khó khăn trong đấu tranh với xăng dầu giả là các đối tượng sản xuất buôn bán xăng dầu giả thường tổ chức thành đường dây với quy mô lớn, địa bàn hoạt động trên nhiều tỉnh, thành. Chúng móc nối chặt chẽ với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu kinh doanh bất chính để kiếm lợi. Và một nguyên nhân khác nữa là sản xuất buôn bán xăng dầu giả thu được lợi nhuận cực cao.

“Về quy định pháp luật, các đối tượng sản xuất kinh doanh xăng dầu giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên. Hành vi sản xuất buôn bán xăng dầu giả vẫn bị xử lý như đối với hành vi làm giả các loại hàng hóa khác.

Tuy nhiên, theo tôi, vì tính quan trọng thiếu yếu của xăng dầu, pháp luật nên phân hóa hành vi làm giả buôn bán xăng dầu thành một tội danh khác để có hình thức xử lý phù hợp hơn” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần