KIDO đã có bước đột phá thành công sau thương vụ, nhưng sức mạnh đổi mới tiếp theo của tập đoàn sẽ là hành trình trở lại “ngôi vương” ngành bánh kẹo - mang bánh trở thành hàng thiết yếu của người Việt và xuất khẩu văn hóa Việt ra thế giới.
Loại bỏ để tiến xa
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO được biết đến là người giữ vai trò then chốt trong việc dẫn dắt KIDO phát triển trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu tại Việt Nam suốt 29 năm qua.
Sau thương vụ chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International với trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2014, Tập đoàn KIDO rời lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo và bước chân vào thị trường dầu ăn, kem và các mảng thực phẩm thiết yếu khác.
Quyết định được thực hiện tại thời điểm KIDO có tham vọng trở thành DN tỷ đô, nhưng tăng trưởng ngành kinh doanh chính là bánh kẹo của công ty lúc đó chỉ đạt 5 - 6%/năm. Tận dụng nguồn lực mới sau thương vụ, KIDO dần chiếm lĩnh thị trường với thị phần dẫn ngành kem (khoảng 43,5%) và dầu ăn (khoảng 30%) tại Việt Nam những năm gần đây.
Theo doanh nhân Trần Lệ Nguyên, việc kinh doanh đôi khi cũng có những sản phẩm không phù hợp phải chấp nhận loại bỏ… Muốn nắm được dòng tiền, còn làm nhiều dự án lớn hơn song phải tạo ra giá trị. Nếu không tạo ra giá trị, chúng ta không thể nào tồn tại được. Chúng ta phải thay đổi để tiếp tục con đường xây dựng chiến lược của tập đoàn.
Từ khi mua thêm mảng kinh doanh dầu ăn, hoạt động kinh doanh mỗi năm của KIDO đều tăng khoảng 30 - 40%. Tính riêng quý II/2022, DN tăng trưởng 27% so với năm ngoái. Trước khi thực hiện thương vụ, KIDO chỉ có 120.000 điểm bán bánh, nhưng đến nay đã xây dựng mạng lưới 450.000 điểm bán, phân phối hàng triệu sản phẩm ra thị trường mỗi ngày.
Bước đổi mới tiếp theo của KIDO lại chính là sự quay trở lại ngành bánh kẹo vào năm 2021 sau 6 năm vắng bóng - ngành hàng mà KIDO đã từng giữ ngôi vương. KIDO vừa qua công đưa vào hoạt động Nhà máy bánh kẹo KIDO’s Bakery với diện tích 12.735m², công suất hoạt động 19.044 tấn/năm từ ngày 17/4. Với thương hiệu bánh tươi và bánh trung thu KIDO’s Bakery, đơn vị đặt mục tiêu chiếm vị trí thứ 2 trong ngành bánh tươi tại Việt Nam.
Đổi mới ngành hàng thiết yếu
Coi bánh là đam mê lớn, doanh nhân Trần Lệ Nguyên với 30 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm chia sẻ rằng thời điểm năm 2014, tăng trưởng ngành này đã chậm lại bởi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên giảm bớt ăn bánh kẹo. Đồng thời bánh kẹo cũng chỉ có tính chất thời vụ như dịp Trung thu và lễ Tết để phục vụ quà biếu.
“Không như trước đây, chúng ta làm ngành bánh kẹo nhiều khi là vài chục sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng bán được. Sự thay đổi là hiện giờ chúng ta phải làm những sản phẩm có giá trị. Sản phẩm mang được cái giá trị là vừa chất lượng, vừa tiện lợi, có thể đi xa được” - ông Nguyên cho biết.
Vị doanh nhân đánh giá, ngành thực phẩm muốn thành công thì quy mô phải lớn, tập trung vào những sản phẩm mang tính thiết yếu và có hệ thống phân phối rộng khắp, duy trì giá cả luôn luôn hợp lý. Việc này lý giải vì sao KIDO lựa chọn trở lại với bánh tươi hàng ngày để phục vụ người tiêu dùng, tận dụng mạng lưới 450.000 điểm bán khắp các tỉnh thành đã phát triển được qua thời kỳ kinh doanh mặt hàng thiếu yếu là dầu ăn.
Ông Nguyên cho rằng, yếu tố duy nhất không thay đổi trong ngành thực phẩm là phải giữ được chất lượng sản phẩm, phục vụ sức khỏe, đóng góp nhiều giá trị sản phẩm cho người tiêu dùng có thể thưởng thức chứ không chỉ có nắm bắt xu hướng để thành công.
“Sự trở lại của sản phẩm KIDO ngày nay khác với trước đây là sản phẩm luôn đậm đà, mang tố chất của những sản phẩm chất lượng cao, yếu tố văn hóa và phục vụ tiện lợi cho người tiêu dùng hàng ngày” - ông Nguyên nói. Đồng thời mong muốn, sản phẩm có thể không những phục vụ cho người tiêu dùng trong nước mà còn mang văn minh, văn hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
"Kinh nghiệm và sự quyết đoán là thế mạnh của lớp nhân sự đi trước. Lúc này, vai trò của nhà lãnh đạo rất quan trọng trong việc quyết định chiến lược và tạo ra sự đồng thuận trong tập thể. Bản thân tư duy của người lãnh đạo phải luôn thay đổi.
Mình phải thể hiện bằng những công việc mình làm là đúng, những quyết định của mình là đúng. Cả thế hệ trước và thế hệ kế thừa đều phải thấy được. Nhưng thay đổi làm sao thuyết phục được? Mình phải thuyết phục bằng những công nghệ và số liệu." - CEO Trần Lệ Nguyên