Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiềm chế lạm phát giúp doanh nghiệp giảm được chi phí

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Khi giá cả ổn định sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế.

Đó là những yếu tố quan trọng tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm sau. TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với cơ quan truyền thông.

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Internet.
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Internet.

Vì sao Việt Nam tránh được vòng xoáy lạm phát thưa ông?

- Việt Nam đang đối diện với sức ép từ lạm phát bên ngoài, chứ không phải bên trong. Có thể dùng giải pháp từ bên trong để hóa giải áp lực từ bên ngoài.

Nhưng lựa chọn giải pháp nào cũng phải tính đến “dư địa” có còn hay không. Ví dụ, hạ giá xăng dầu, là giải pháp căn bản để giảm nhiệt lạm phát từ bên ngoài, vẫn còn dư địa lớn với các công cụ giảm thuế phí. Cần thiết phải tăng tín dụng để các DN tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh, được hưởng gói ưu đãi lãi suất, chỉ cần quản lý tốt dòng tiền an toàn và hiệu quả.

Bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay là chưa từng thấy kể từ mấy chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực lực nền kinh tế của Việt Nam đã vững và tốt hơn trước nhiều. Chỉ cần Chính phủ điều hành một cách khéo léo.

Chúng ta có thể kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội đề ra, khoảng trên dưới 4%. Hiện nhiều nước trên thế giới đã phải chấp nhật hạ thấp tốc độ tăng trưởng để đổi lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát. Việc Việt Nam đang có nhiều dư địa để kiềm chế lạm phát sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tăng trưởng kinh tế năm nay có cơ sở đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây như dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế lớn đã đưa ra.

Kiểm soát lạm phát đang có tác dụng gì thưa ông?

- Áp lực chi phí giảm đã hỗ trợ cho các DN trong nỗ lực áp dụng mức giá bán cạnh tranh. Tốc độ tăng giá cả đầu vào chậm lại đáng kể lần thứ hai liên tiếp và là mức tăng yếu nhất trong thời gian 27 tháng tăng chi phí.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khảo sát mới nhất về DN sản xuất ở Việt Nam của S&P Global thực hiện cho thấy, kết quả báo cáo mới nhất về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện được IHS Markit công bố (5/9) cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn khi áp lực lạm phát giảm.

Các nhà sản xuất báo cáo số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Những lực cản đối với nguồn cung đã giảm, các công ty có thể tập trung vào việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới và mở rộng sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2022.

Ông có thể dự báo lạm phát cuối năm 2022 và đề xuất các giải pháp gì trong điều hành và hỗ trợ DN?

- Mặc dù vẫn còn dư địa cho kiểm soát lạm phát cả năm nhưng vẫn không thể chủ quan. Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát, cảnh báo nguy cơ và kiểm soát lạm phát. Nhận định mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, không gây đứt gãy nguồn cung, gắn với theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu… Giám sát giá cả hàng hóa chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu…

Bối cảnh toàn cầu trong hai năm tới 2023 - 2024 sẽ không khả quan khi lịch sử cho thấy các giai đoạn Mỹ và châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế thế giới. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động nên nhà điều hành phải chuẩn bị dư địa chính sách để bảo vệ tăng trưởng trong nước.

Yêu cầu hiện nay giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!