Còn thờ ơ
Qua tìm hiểu ở nhiều phường, xã, việc bảo đảm ATGT đường sắt còn chưa được quan tâm. Không ít lãnh đạo, thậm chí cấp quận, huyện còn cho rằng trách nhiệm chính thuộc về ngành đường sắt. Trong khi đó cấp phường, xã, quận, huyện là những đơn vị ở sát dân, rất cần những sáng kiến về công tác tuyên truyền ngay cả trong các chi bộ Đảng, các khu dân cư, trường học, để người tham gia giao thông, các hộ dân sống cạnh đường sắt nắm được tinh thần, ủng hộ.
Về quy chế phối hợp, phải khẳng định trong Nghị quyết số 88/2011/NQ của Chính phủ, về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT cũng chỉ ra trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan chức năng. Tiếp đó, Quyết định số 994/QĐ-TTg năm 2014 của Chính phủ, quy định UBND các tỉnh, TP có đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm, cương quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép. Đồng thời tổ chức cảnh giới bảo đảm ATGT tại các lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Uông Đình Hùng - Phó trưởng Phòng ATGT thuộc Cục Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: Quy chế phối hợp đã được xây dựng, xác định rõ, nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng của các địa phương để tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Ngoài ra, các địa phương chưa ưu tiên kinh phí cho công tác tuyên truyền, khớp nối hạ tầng giao thông với hạ tầng đường sắt. Trong khi đó, đến 80% số vụ TNGT đường sắt là tại các đường ngang dân sinh. Đại diện Cục Đường sắt cũng chỉ ra, một số hạng mục thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn như chưa triển khai cắm biển báo cấm xe ô tô trên 9 chỗ và xe tải trên 2,5 tấn qua lối đi dân sinh có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 3m; chưa lắp đặt đầy đủ biển chú ý tàu hỏa; xóa bỏ lối đi dân sinh còn chậm; chưa tổ chức cảnh giới nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cao...
Nỗ lực giảm thiểu tai nạn
Một trong những nỗ lực của lực lượng chức năng là Công an TP Hà Nội đã ra mắt Đội Cảnh sát giao thông đường sắt Hà Nội vào ngày 21/7/2017. Theo nhiệm vụ được giao, Đội Cảnh sát giao thông đường sắt tập trung thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình trật tự, an toàn xã hội, trật tự ATGT trên tuyến, địa bàn đường sắt. Đồng thời, mở hồ sơ quản lý nghiệp vụ đối với các ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để phục vụ công tác đấu tranh, giải quyết. Lực lượng này cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai các biện pháp, giải pháp kiểm tra, giám sát trật tự ATGT đường sắt, đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên các tuyến đường sắt được phân công.
Ở cấp địa phương, UBND huyện Thường Tín đã có văn bản báo cáo UBND TP, Sở GTVT đề nghị cho phép tổ chức cảnh giới 3 ca (trực 24/24 giờ) tại các vị trí đường ngang, đường dân sinh thuộc địa bàn mới và cảnh giới 2 ca trên đường Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, bổ sung cảnh giới tại 3 điểm đen mất ATGT tại vị trí: Km14+620 (đường vào thôn Thượng Đình - xã Nhị Khê); Km23+536 (đường vào thôn Khoái Nội - xã Thắng Lợi; Km30+580 (đường vào thôn Đống Chanh - xã Minh Cường).
Là một trong những đơn vị góp phần quan trọng vào kiềm chế TNGT, Ban ATGT TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 56/BATGT-VP đôn đốc tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trong những tháng cuối năm 2017. Theo đó, Công an TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường sắt, quy định về hành lang ATGT đường sắt, các quy tắc giao thông tại vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt. Sở GTVT đảm bảo ATGT tại các điểm đường ngang qua đường sắt thuộc trách nhiệm của Sở. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Quy chế phối hợp đã ký giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội về bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt...
Ngoài sự phối hợp nhịp nhàng, có trách nhiệm của các đơn vị chức năng, về lâu dài, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, để bảo đảm cho hoạt động của đường sắt đi qua Hà Nội được hanh thông, thuận lợi. Đặc biệt, cần tính toán, dần dần di chuyển các hộ dân sống quá gần với đường sắt, tạo hành lang an toàn hơn khi các đoàn tàu chạy qua. KTS Trần Huy Ánh |