Bánh quy cũng… kiểm dịch động vậtĐại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Nguyễn Hồng Uy cho rằng, Thông tư 24, 25 của Bộ NN&PTNT, tất cả các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào Việt Nam, mặc dù đã có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu đều phải kiểm dịch 100% mới được thông quan. “Quy định này mở rộng quá mức cần thiết khi một cái bánh quy hay một gói cà phê sữa trong thành phần có chứa sản phẩm dinh dưỡng y tế vốn dĩ rất an toàn vì đã qua xử lý nhiệt, chỉ chứa một lượng nhỏ đạm chiết suất từ sữa vẫn phải kiểm dịch động vật” - ông Uy nêu ví dụ.
Cần phải nhìn nhận thật rõ ràng và cụ thể hơn về quy trình thủ tục, hồ sơ, chi phí nhất quán. Trong đó, hồ sơ tinh giản được thủ tục nào thì tính khả thi càng cao. Hồ sơ được đơn giản hóa thì việc thực hiện sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung |
Thực tế cho thấy, Dự thảo sửa đổi một số điều của Thông tư 25 2016/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT về kiểm dịch động, sản phẩm động vật trên cạn đã cải tiến theo hướng quản lý theo rủi ro khi chia theo mặt hàng nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý theo hình thức này cần sử dụng tên danh định và mã hồ sơ quốc tế để tránh nhầm lẫn. Thay vì cứ 5 lô kiểm tra 1 lô thì nên kiểm tra ngẫu nhiên mỗi năm 1 lô, nếu phát hiện mẫu không đạt thì chuyển sang kiểm tra tất cả các lô, sau 1 năm thấy tất cả các lô đều đạt hay đã có thông báo hết dịch thì lại cho phép kiểm tra như trước.
Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam nêu rõ, thời gian chờ kiểm dịch kéo dài tới 1 - 2 tuần ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem… và lãng phí hàng trăm tỷ đồng .Vì vậy, cần làm rõ khái niệm “sản phẩm sữa” tránh việc đánh đồng sản phẩm chứa một lượng nhỏ sữa cũng bị coi là sản phẩm sữa.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểmNhiều DN đồng quan điểm, hình thức kiểm tra không dựa theo thông lệ quốc tế đang gây ra nhiều bất cập cho DN, cơ quan Nhà nước, không đáp ứng được mục tiêu giảm thời gian, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đề ra trong các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ. Vì vậy, cần kiểm soát theo nguy cơ rủi ro và chỉ kiểm tra, kiểm dịch động vật đối với các mặt hàng sơ chế, tươi sống, không kiểm tra mặt hàng chế biến sâu. Nhiều DN làm đúng mà vẫn phải kiểm tra với lượng kiểm tra và lấy mẫu lớn, có DN phải bỏ ra 400 triệu đồng tiền kiểm tra chuyên ngành mỗi tháng. Vì vậy, các DN kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần cắt giảm những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đánh giá về nội dung Dự thảo sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, chuyên gia Phạm Thanh Bình (nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải Quan) nhận định: Cần có quy định cụ thể về lấy mẫu để tránh gây tốn kém cho DN. Theo đó nên phân thành 3 loại sản phẩm tương ứng 3 mức độ gồm: Nguy cơ cao sẽ kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra từng lô hàng; Nguy cơ trung bình sẽ kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên và theo tần suất; Nguy cơ thấp chỉ kiểm tra hồ sơ.
Ý kiến của DN, chuyên gia kinh tế cho thấy để đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN cần tạo sự chuyển đổi về cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá đúng mức độ tuân thủ pháp luật của các DN, tổ chức.