Kiểm soát an toàn thực phẩm tại quận Thanh Xuân: Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận Thanh Xuân có những chuyển biến tích cực, nhờ triển khai các mô hình hay, hiệu quả.

Hội LHPN quận Thanh Xuân đảm nhận nấu ăn hàng ngày phục vụ cán bộ, chiến sĩ và các trường hợp F1 cách ly. Ảnh: Thái San
Đa dạng mô hình
Trong những năm qua, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, quận Thanh Xuân đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới về ATTP. Đơn cử, với mô hình “Xây dựng các cửa hàng ATTP có kiểm soát”, từ năm 2016 đến nay, quận Thanh Xuân đã mở và duy trì 5 điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Kim Giang, Khương Mai. Đến nay, các điểm cung cấp thực phẩm đã đi vào hoạt động và đạt kết quả tốt. Công tác duy trì và phát triển cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát hoạt động tốt, lượng khách đông lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2021, 5 cửa hàng đã phục vụ gần 15.700 lượt khách với tổng giá trị gần 900 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2017, Thanh Xuân là quận đầu tiên xây dựng mô hình điểm triển khai tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình. Trên cơ sở đó, TP đã nhân rộng mô hình đến các quận, huyện trên địa bàn. Đến nay, quận Thanh Xuân đã thực hiện duy trì mô hình này với 28/28 cơ sở thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế. Từ khi mô hình được triển khai, diện mạo của tuyến phố đã thay đổi rõ rệt, các nhà hàng ăn uống đều khang trang, lịch sự. Một số cơ sở kinh doanh đổi chủ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn, Phòng Y tế quận, UBND phường Thượng Đình đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định.

Cùng với đó, quận thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận theo đề án của TP Hà Nội. Toàn quận đã cấp 106 biển nhận diện trái cây an toàn cho 106 cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, quận đã triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học” hàng năm tại các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và ngoài công lập. 100% được cấp giấy chứng nhận ATTP/bản cam kết đảm bảo ATTP theo quy định, thực hiện công khai nguồn gốc thực phẩm, thực đơn tại bếp, bảng tin và trên cổng thông tin điện tử; 100% người lãnh đạo, người chế biến, cô nuôi tại các trường xây dựng mô hình thí điểm được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát theo quy định. Ngoài ra, quận thực hiện duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch

Hiện nay, trước diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn quận Thanh Xuân thành lập 2 khu vực cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Than - Khoáng sản và Tòa nhà chung cư tái định cư A1 Kim Giang để đảm bảo ATTP phòng, chống dịch bệnh. UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc đảm bảo ATTP trong phòng, chống dịch bệnh tại khu cách ly tập trung trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức giám sát công tác đảm bảo ATTP khu cách ly tập trung. Cơ sở vật chất, nơi chế biến tại đây đảm bảo đủ diện tích và điều kiện môi trường để chế biến và phục vụ suất ăn cho khu cách ly y tế tập trung.

Các trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống đảm bảo vệ sinh; dụng cụ ăn uống cho từng người riêng biệt, dùng một lần; sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển vào khu cách ly tập trung được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Người tham gia sơ chế, chế biến, chia thức ăn, giao nhận suất ăn đã được tập huấn kiến thức ATTP và đủ điều kiện sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, thời gian qua, quận đã có nhiều cố gắng trong quản lý, đảm bảo ATTP trên địa bàn với những kết quả nhất định. Để những mô hình kiểm soát ATTP tiếp tục phát huy hiệu quả cần ý thức, trách nhiệm của cả 3 bên (cơ quan quản lý, hộ kinh doanh và người tiêu dùng). Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn với hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định về ATTP, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở được cấp giấy chứng nhận, được gắn biển kiểm soát ATTP.

“Thời gian tới, quận Thanh Xuân tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra vào các đợt cao điểm về ATTP hàng năm. Chủ động kiểm tra, giám sát xử lý thông tin báo chí và các tầng lớp Nhân dân phản ánh về việc mất ATTP đối với các cơ sở thực phẩm, thông qua đường dây nóng trên địa bàn theo phân cấp” - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa thông tin.
Thực hiện chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”, quận đã tổ chức khảo sát và lựa chọn các đơn vị tham gia chương trình. Tích lũy đến nay đã tổ chức đánh giá phân loại cấp quận với 23 sản phẩm (trong đó năm 2019 có 6 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao; năm 2020 có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần