Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát An toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội: Khó khăn chồng chất

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/9, Sở Y tế Hà Nội đã sơ kết một năm thực hiện kế hoạch 119 của UBND TP Hà Nội về khắc phục hạn chế, yếu kém, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP. Đồng thời, triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018 – 2020.

Hơn 14 tỷ đồng tiền phạt
Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại Kế hoạch 119 của TP đã chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Khắc phục những hạn chế này, Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNN và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc trong một năm qua với gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng, buộc tiêu hủy vi phạm hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ đồng.
 Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 TP về an toàn thực phẩm kiểm tra tại Công ty bánh kẹo Tràng An. Ảnh: Trần Nga
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP vẫn tồn tại. Một số văn bản T.Ư chưa đồng nhất gây khó khăn cho công tác quản lý. Ông Tụ phân tích, trong một số văn bản có giải thích từ “kinh doanh” tại luật ATTP năm 2010 không bao gồm dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 lại khái niệm “kinh doanh” bao gồm cả công đoạn sản xuất, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích có lãi. Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cũng cho biết, khi xử lý hàng hết hạn sử dụng, theo Nghị định 185 của Chính phủ thì xử phạt và tịch thu hàng hóa, nhưng theo nghị định mới của Cục Quản lý chất lượng thì có xử lý mà lại không tịch thu. “Hàng hóa hết date mà không tịch thu thì nguy hiểm, nhưng nghị định nào ra sau thì chúng tôi phải thực hiện theo” – ông Lộc cho hay.

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP tại ngành nông nghiệp, công thương và các quận, huyện, xã, phường còn thiếu và trình độ quản lý ATTP hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm. “Khi đi kiểm tra, nhiều vụ việc chúng tôi thấy rất nóng, nhưng các mẫu test trong xe test nhanh vẫn còn ít. Đặc biệt, cần làm thế nào để giảm thiểu quy trình kiểm nghiệm, bởi sau khi lấy mẫu, chờ xét nghiệm rồi mới quay lại xử lý hàng hóa vi phạm thì rất khó” – ông Lộc chia sẻ.

Thay đổi tư duy người tiêu dùng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, quản lý ATTP cần xác định quan trọng nhất là thay đổi tư duy người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng bỏ thỏi quen “tiện đâu, mua đấy”, có ý thức mua thực phẩm ở những cửa hàng đã được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng thì thực phẩm sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, theo ông Hiền, phía các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt ngay từ nơi sản xuất, chăn nuôi. Với các chợ đầu mối phải giám sát được nguồn thực phẩm đầu vào. “Tại các quán ăn, đâu đâu cũng quảng cáo thịt bò Úc, thịt bò Mỹ. Các khu đô thị, các nhà cao tầng mọc đến đâu thì các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thức ăn nhanh mọc đến đó. Vậy trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã trong những vấn đề này đã thực hiện tốt chưa?” – ông Hiền băn khoăn.

Đặc biệt, về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018 – 2020, ông Hiền lưu ý, hệ thống đã phân ra 3 cấp, nhưng cần có một quy trình từ tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo. “Phải phân công cụ thể ai là người chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ở mỗi cấp. Cơ quan Nhà nước giám sát, hậu kiểm như thế nào để kiểm tra lại thông tin đã tiếp nhận có đúng hay không, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin để từ đó đưa ra cảnh báo đến người dân. Đồng thời, cũng cần có quy định về cảnh báo, tránh trường hợp cảnh báo sai. Thực hiện mô hình này phải khác so với đảm bảo ATTP thường quy đang làm, phải chỉ ra được người dân cần gì, thị trường thực phẩm thay đổi như thế nào, vấn đề đảm bảo ATTP có thay đổi hay không” – TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, hệ thống cảnh báo nhanh được xây dựng ở 3 cấp TP; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn TP, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo nhanh cho cộng đồng.