Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt phương án phòng cháy, chữa cháy của quán karaoke, cách nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy quán karaoke làm chết nhiều người. Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng cháy quán karaoke lại hay xảy ra, và cách nào kiểm soát chặt phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của quán karaoke?

Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương

Vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương đến nay đã xác định 33 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu theo UBND tỉnh Bình Dương là do chập điện tại một phòng hát.

Đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra các vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người thương vong. Trong đó, điển hình là vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chiều 1/8/2022 khiến 3 cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy tử vong; vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người chết hồi đầu tháng 11/2016; vụ cháy dữ dội ở quán karaoke 43G Giảng Võ vào tháng 5/2014 khiến 5 người chết…

Liên quan các vụ cháy quán karaoke, câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng cháy nổ tại các nơi này hay xảy ra, cách nào kiểm soát chặt phương án PCCC của quán karaoke? Cùng với đó, trách nhiệm thuộc về những cá nhân, cơ quan, tổ chức nào? Biện pháp xử lý tình trạng này như thế nào? Và cần kiến nghị những gì để hạn chế tình trạng cháy quán karaoke?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay: Thực tế chúng ta đều thấy rằng, ngay từ việc thiết kế quán karaoke đã sử dụng rất nhiều thiết bị, đồ dùng có nguy cơ cháy nổ rất cao như: hệ thống cách âm, hệ thống điện chằng chịt, hệ thống ánh sáng và sàn nhà, ghế sofa…

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Chưa kể trong quá trình khách đến hát luôn trong tình trạng nồng độ cồn cao, hút thuốc lá, dùng nến, lửa, rượu… đây đều là những nguồn, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Vào lúc cao điểm, khi các thiết bị điện vận hành hết công suất, người ra vào nhiều, ý thức người hát kém thì càng có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Trong khi đó, các trang thiết bị về PCCC của quán thiếu hoặc hoạt động không hiệu quả, nhân sự không có kinh nghiệm khi xử lý cháy nổ, lối đi nhỏ, lại chất rất nhiều chất dễ cháy…

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, có thể thấy rằng, quán karaoke là một trong những địa điểm có nguy cơ đặc biệt về cháy nổ cần phải kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, cần thiết tạm dừng toàn bộ các quán kinh doanh karaoke để thanh tra, kiểm tra xem cơ sở đảm bảo an toàn về PCCC hay không? Nếu không đủ điều kiện có thể tước giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, đưa hoạt động kinh doanh karaoke vào ngành nghề nguy cơ đặc biệt về PCCC để có những biện pháp phù hợp để tập huấn, yêu cầu kĩ thuật, thanh tra, kiểm tra định kỳ về PCCC. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật cho quán Karaoke: Bắt buộc diện tích tối thiểu, thiết kế hành lang rộng, phòng hát tối thiểu, có hệ thống PCCC tự động, có cảnh báo cháy và phun nước tự động, các tầng đều phải có lối thoát hiểm riêng ra bên ngoài, và bắt buộc lắp đặt các thiết bị PCCC riêng từng phòng, từng tầng.

Cùng với đó, bắt buộc tập huấn về PCCC định kỳ cho toàn bộ nhân viên quán karaoke, cần thanh tra kiểm tra, đánh giá về tình trạng ứng phó PCCC, thiết bị PCCC của quán theo định kỳ. Cần “quy hoạch riêng” địa điểm tập trung, đặt các quán hát karaoke, không được tiếp xúc trực tiếp nhà dân, không nằm trong khu dân cư đông đúc. Cần thắt chặt hơn nữa việc phê duyệt phương án PCCC cho các quán karaoke của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Nếu chúng ta buông lỏng quán lý, quy định thiếu chặt chẽ, không có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra liên tục về hoạt động của quán karaoke thì những vụ việc đáng tiếc rất có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.