Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kiểm soát khí thải xe máy: Làm sao để hiệu quả nhất?

Kinhtedothi - Để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí, kiểm soát khí thải xe máy là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi rõ rệt. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Khí thải xe máy đang là một trong những "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Thách thức trong việc triển khai kiểm định khí thải xe máy

Theo đề xuất mới đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), việc kiểm định khí thải xe máy sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2027 tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là hai địa phương đang ghi nhận lượng khí thải từ xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số nguồn gây ô nhiễm không khí đô thị (riêng tại Hà Nội, hiện có hơn 7 triệu xe máy, trong đó gần 73% đã được sử dụng trên 10 năm).

Cụ thể, từ ngày 1/1/2027, các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được kiểm tra định kỳ khí thải. Từ 1/1/2028, lộ trình này được mở rộng ra các đô thị loại I trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế. Đến năm 2030, việc kiểm định sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, Bộ NN&MT cũng đề xuất chia mức khí thải theo năm sản xuất của phương tiện. Những xe mô tô sản xuất trước năm 2008 sẽ áp dụng tiêu chuẩn Mức 1 – tiêu chuẩn khí thải thấp nhất; trong khi các dòng xe mới hơn sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Mức 2, 3, và 4. Việc phân chia này nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thích nghi và có thời gian chuyển đổi phương tiện phù hợp.

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân, Bộ NN&MT đề xuất miễn phí kiểm định khí thải trong giai đoạn đầu và triển khai chính sách hỗ trợ tài chính cho các đối tượng khó khăn khi chuyển đổi phương tiện hoặc thay thế xe cũ không đạt chuẩn.

Mặc dù đã có lộ trình và định hướng rõ ràng, việc kiểm định khí thải xe máy vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cả về kỹ thuật lẫn thực tiễn triển khai. Ước tính hiện có khoảng 70 triệu xe máy đang lưu hành trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, con số này vào khoảng 7 triệu chiếc, trong đó phần lớn là xe cũ, đã qua sử dụng trên 10 năm và chưa từng được kiểm tra khí thải.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng kiểm định khí thải bắt buộc, sẽ có khoảng 50 triệu xe máy trên toàn quốc phải qua các bước kiểm định, đánh giá định kỳ, trong số này, sẽ có cả triệu xe máy cũ buộc phải chấm dứt vòng đời vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Điều này có thể gây ra một số xáo trộn cũng như làn sóng đổi xe quy mô lớn chưa từng có.

"Đằng sau mục tiêu môi trường là nỗi lo canh cánh của người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp – những người đang sử dụng xe máy cũ để mưu sinh hằng ngày. Với mức thu nhập không cao, việc phải sửa chữa, cải tiến hoặc thay xe mới để đạt chuẩn khí thải ít nhiều tạo ra gánh nặng" - một chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, tâm lý e ngại của người dân cũng là yếu tố cản trở việc triển khai đại trà. Nhiều người lo ngại việc kiểm định sẽ kéo theo chi phí sửa chữa hoặc buộc phải thay thế phương tiện, tạo áp lực tài chính, nhất là đối với người thu nhập thấp, người lao động tự do.

“Xe của tôi đã sử dụng gần 15 năm, dù vẫn chạy tốt nhưng nếu kiểm định không đạt, thì không biết lấy tiền đâu để mua xe mới. Nếu Nhà nước không có hỗ trợ thì chắc nhiều người sẽ khó lòng thực hiện” - ông Nguyễn Văn Dũng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá, lộ trình mà Bộ NN&MT đề xuất là phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Xe máy chiếm tỷ lệ lớn, mức độ tăng trưởng nhanh và gắn với các đối tượng lao động thu nhập trung bình - thấp nên các chính sách sẽ có mức độ tác động nhạy cảm. Bên cạnh đó, hiện người dân vẫn còn e ngại giá cả, e ngại thủ tục phức tạp, lo tốn thời gian khi so sánh với việc kiểm định ô tô.

Vì thế, cần có thời gian để tất cả các cơ quan chuyên môn chuẩn bị kỹ lưỡng từ biện pháp nhận diện thế nào, kiểm soát ra sao, dán tem, dán nhãn xe kiểm định; đầu tư trang thiết bị, tích hợp dữ liệu, thiết bị đo quan trắc chất lượng môi trường trước và sau khi triển khai chính sách mới cho tới việc xây dựng biện pháp chế tài xử phạt khi xe vi phạm… Ngoài ra, người dân cũng phải được chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu và trang bị đầy đủ kiến thức về thủ tục đăng kiểm, đối tượng đăng kiểm…

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý trên cả nước đang tiến hành sáp nhập các tỉnh, thành nên sắp tới, phạm vi về mặt địa lý hành chính sẽ có nhiều thay đổi. Do đó, Bộ NN&MT cần quy định rõ hơn về việc phân vùng kiểm định, kiểm soát, đơn cử thay vì nói chung chung TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cần nêu rõ vùng nội thành gồm những khu vực nào.

Hà Nội cần thêm nhiều hơn nữa những tuyến đường sắt đô thị "xanh" như Cát Linh - Hà Đông.

Đâu là hướng đi đúng nhất?

Theo nhiều chuyên gia, để kiểm soát khí thải từ xe máy một cách hiệu quả, lộ trình kiểm định cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ toàn diện. Trong đó, việc kết hợp các chính sách tài chính, khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường là rất cần thiết.

Trước hết, chính sách hỗ trợ tài chính cần được mở rộng và thiết kế phù hợp với người thu nhập thấp. Ngoài chương trình đổi xe cũ, có thể triển khai mô hình “ngân hàng xe xanh”, cho phép thuê xe điện với chi phí thấp, tương tự các chương trình thành công tại Bengaluru, Ấn Độ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cần đảm bảo rằng người lao động tự do không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh và kiểm soát khí thải xe máy. Một trong những rào cản hiện nay là việc giao thông công cộng, dù đã có những bước tiến với những tuyến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và xe buýt nhanh BRT song thực tế những chuyển biến này là chưa đủ sức thay thế xe máy.

Anh Nguyễn Văn Hùng - một nhân viên văn phòng thẳng thắn: “Metro tiện, nhưng tôi cần đi xe máy đến điểm gửi xe sau đó mới di chuyển bằng tàu điện đến chỗ làm được”. Anh Hùng góp ý rằng, để cạnh tranh, Hà Nội cần mở rộng mạng lưới metro, tăng tần suất xe buýt, và xây dựng làn đường riêng cho xe đạp.

Một vấn đề hết sức quan trọng khác là việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của khí thải xe máy và lợi ích của việc sử dụng phương tiện sạch cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm rằng, nếu không có sự đồng thuận và chủ động từ người dân, dù có chính sách tốt đến đâu cũng khó thành công. Điều cần làm là tạo điều kiện thuận lợi để họ thấy được lợi ích rõ ràng.

Một yếu tố then chốt khác cần được xem xét là tích hợp việc kiểm soát khí thải xe máy vào quy hoạch đô thị thông minh. Tại các quốc gia phát triển, kiểm soát ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra phương tiện, mà còn gắn chặt với hệ thống giao thông thông minh, quy hoạch hạ tầng hợp lý và dữ liệu môi trường thời gian thực.

Gần hai thập kỷ sau khi chủ trương kiểm soát khí thải xe máy được phê duyệt, đến nay Việt Nam mới bắt đầu có những bước đi cụ thể. Lộ trình kiểm định khí thải xe máy là một nỗ lực đáng ghi nhận, cho thấy quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ từ cả cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân. Việc kiểm định khí thải xe máy không chỉ là câu chuyện kỹ thuật hay hành chính, mà là một phần trong chiến lược hướng tới tương lai xanh – sạch – bền vững cho toàn xã hội.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Một đô thị thông minh cần xây dựng hệ thống quản lý phương tiện bằng công nghệ số, sử dụng cảm biến để theo dõi chất lượng không khí, mật độ phương tiện theo từng khu vực. Từ các dữ liệu thu thập được, chính quyền có thể đưa ra cảnh báo sớm, điều phối giao thông linh hoạt và áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện vào giờ cao điểm hoặc khi chất lượng không khí xuống thấp. 
Cơ sở kiểm định khí thải xe máy phải cách bệnh viện 50m

Cơ sở kiểm định khí thải xe máy phải cách bệnh viện 50m

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Giá kim loại đồng ngày 20/5: tăng trở lại

Giá kim loại đồng ngày 20/5: tăng trở lại

20 May, 06:14 AM

Kinhtedothi - Giá đồng tại London tăng, theo dõi sự yếu kém của đồng USD, mặc dù mức tăng bị hạn chế do lo ngại về triển vọng nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp chậm lại.

Phương tiện hữu dụng cho một Hà Nội xanh

Phương tiện hữu dụng cho một Hà Nội xanh

20 May, 06:05 AM

Kinhtedothi - Hà Nội vừa nâng tổng số trạm cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng lên 140, chủ yếu bố trí dọc theo hành lang hai tuyến đường sắt đô thị, khu vực nội đô lịch sử. Đây sẽ là loại phương tiện rất hữu dụng cho người dân Thủ đô và du khách, đặc biệt khi TP đang bám sát định hướng phát triển giao thông xanh.

Mô hình hay cần nhân rộng

Mô hình hay cần nhân rộng

19 May, 05:02 PM

Kinhtedothi – Trong hoàn cảnh khối lượng công việc tại cơ sở nhiều, lực lượng chức năng không thể lúc nào cũng có mặt “đúng lúc, đúng nơi” để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về VSMT, TTĐT… thì biện pháp xử phạt qua hệ thống camera được coi là “cứu cánh” cho vấn đề trên.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ