Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/4, NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021. Theo đó, định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo NHNN, tính đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

Trong quý I/2021, NHNN đã bám sát định hướng, chủ trương của Chính phủ, về cơ bản thị trường tiền tệ - tín dụng ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra. NHNN luôn theo dõi sát sao để định hướng tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngân hàng triển khai trong năm 2021 gồm: 

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, NHNN sẽ yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của TCTD, hoạt động bảo lãnh,... phù hợp với thực tế.

Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, DN bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh;

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- DN. Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực,...

NHNN đã bám sát định hướng, chủ trương của Chính phủ, về cơ bản thị trường tiền tệ - tín dụng ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra. Tăng trưởng tín dụng quý I/2021 đạt 2,93%, mức tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. NHNN luôn theo dõi sát sao để định hướng tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.