Đồng bộ hóa thủ tục hành chính
UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đang thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực như: Chính quyền số, Triển khai thực hiện Đề án 06; Kinh tế số, Xã hội số…..
Trong đó về chính quyền số, tỉnh Kiên Giang cung cấp là 1.904 thủ tục hành chính và đã được công khai đầy đủ các nội dung theo quy định và kết nối liên thông, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có 898 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần là 425 thủ tục. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 321.195 hồ sơ, trong đó có 150.916 hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ 46,99% và 170.279 hồ sơ trực tiếp đạt tỷ lệ 53,01%.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện triển khai kết nối cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, bao gồm các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; dịch vụ kết nối bưu chính công ích; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); kết nối Hệ thống Tư pháp - Hộ tịch, Hệ thống Lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp); dịch vụ cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ ngân sách (Bộ Tài chính); cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể (Sở Kế hoạch và Đầu tư); cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử, Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội), Hệ thống DVC thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua (Bộ Xây dựng).
Ngoài ra, địa phương cũng đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART để giới thiệu và giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đến nay đã có 999 sản phẩm được đưa lên sàn, trong đó có 34 sản phẩm OCOP, với tổng số 14.281 giao dịch, tổng giá trị giao dịch là 2,35 tỷ đồng, (trong đó Quý III có 10 sản phẩm được đưa lên sàn, với tổng số 117 giao dịch, tổng giá trị giao dịch là 0,01 tỷ đồng).
Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội: Hiện nay, 100% các huyện, TP đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 950 tổ công nghệ số, với 5.807 thành viên.
Người dân, DN trung tâm chuyển đổi số
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang cho biết: Việc thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được các kết quả tích cực, nhận thức và hành động về Chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; Công tác chỉ đạo, điều hành được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tiếp tục được phát triển; Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến được triển khai hiệu quả, tỷ lệ phát sinh hồ sơ ngày càng tăng; An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho Chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường.
“Với nền tảng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội tạo ra nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang” ông Võ Minh Trung khẳng định.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban chuyển đổi số của tỉnh cho hay, thời gian tới tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số như: Triển khai, xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuẩn hóa, công khai, cung cấp thông tin, dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu số của các cơ quan nhà nước; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội, qua các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu; tiếp tục chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến,… Đầu tư thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận, số hóa, thanh toán trực tuyến và trả kết quả điện tử cho đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh.