Hoạt động trái phép
Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị có các bài viết "Xe “dù” Interbus Lines: Hám lợi, bán mạng hành khách; Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra, rà soát xe biển số nước ngoài hoạt động vận tải khách" phản ánh tình trạng xe khách mang biển kiểm soát (BKS) Lào vô tư hoạt động đón, trả khách theo tuyến Hà Nội – Sa Pa gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT - Xây dựng của tỉnh Lào Cai cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng CSGT – Công an tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác cao điểm kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách mang BKS nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai, đơn vị khẳng định chưa nhận được hồ sơ đề nghị và chưa cấp giấy phép vận tải quốc tế Việt – Lào cho DN, hợp tác xã đóng trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh vận tải hành khách ở tất cả loại hình tuyến cố định, hợp đồng, du lịch. Vì vậy, Sở chưa cấp giấy phép liên vận Việt – Lào cho phương tiện tham gia các loại hình vận tải hành khách nêu trên.
Trong những ngày cuối tháng 5/2022, Tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhiều phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài (Lào).
Các phương tiện bị xử lý đều có chủ phương tiện là Công ty du lịch Dao Hung (địa chỉ tại Lào) và đơn vị ký hợp đồng vận chuyển là Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên, ví dụ như xe mang BKS UN 0680 và BKS UN 1525.
Đáng nói, có những trường hợp coi thường pháp luật và các cơ quan chức năng đến nỗi tài xế điều khiển phương tiện mang biển số nước ngoài khi bị kiểm tra chỉ xuất trình được đăng ký phương tiện không có bản dịch, không xác định được chủ phương tiện, ngoài ra không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào theo quy định.
Cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị
Công tác quản lý, theo dõi đối với hoạt động của các phương tiện nêu trên gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như tình trạng các phương tiện không thông báo cho cơ quan quản lý sở tại nơi đến, Sở GTVT-Xây dựng Lào Cai cũng không được cung cấp tài khoản giám sát phương tiện (camera giám sát hành trình).
Mặc khác, trong quá trình kiểm tra, phương tiện không có các giấy tờ bản dịch trong khi lực lượng Thanh tra giao thông cũng không đủ thẩm quyền dừng xe đối với phương tiện mang BKS nước ngoài đang hoạt động. Do đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp khó.
Vì vậy, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên (địa chỉ tại 15/420 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để kịp thời xử lý đối với các vi phạm trong việc sử dụng xe khách gắn biển số nước ngoài kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời đề nghị Cục CSGT – Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 1 tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải khách mang BKS nước ngoài lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đối với tỉnh Lào Cai, lực lượng CSGT, Công an các huyện, thị xã, TP cần tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý đối với phương tiện gắn biển số nước ngoài hoạt động trên địa bàn. Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức hướng dẫn, tập huấn kiểm tra, kiểm tra xử lý tình trạng nêu trên.
Riêng việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn với biển số nước ngoài có hình thức phạt bổ sung “Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam”, báo cáo của Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai cho rằng, do hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc thi hành tái xuất phương tiện, phương thức phối hợp của các đơn vị để giám sát việc tái xuất của phương tiện ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nên còn gặp khó trong xử lý.
Có thể rút giấy phép?
Đối với những sai phạm của xe khách biển Lào, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, cần đặc biệt chú trọng kiểm tra và xử lý. Đặc biệt với các hành vi như: xe không có hoặc không gắn phù hiệu, chạy sai hành trình, lịch trình vận tải hay đón, trả khách sai quy định. Hay phương tiện kinh doanh vận tải khách mà không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định, tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật của xe ô tô…
“Có thể áp dụng những chế tài mạnh như: đình chỉ hoạt động DN, xử phạt hành chính DN và lái xe hoạt động trái pháp luật, truy thu thuế nhập khẩu phương tiện và số tiền thuế mà DN đã trốn thuế trong thời gian qua” - luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Mặt khác, do thời hạn giấy phép liên vận cấp cho xe vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch cũng có thể theo thời gian chuyến đi hoặc thời gian của chuyến du lịch nhưng không vượt quá 30 ngày. Vì vậy, hết thời hạn trên, các phương tiện này phải ra khỏi lãnh thổ nước bạn, hay nói cách khác là "tái xuất".
Theo quy định tại Nghị định 123/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định số 100/2019, hành vi lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định có thể bị phạt tiền đến 35 triệu đồng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.