Kiến tạo diện mạo TP bằng ánh sáng - Bài 5: Thượng Hải trở thành Paris phương Đông như thế nào?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 1990, khi Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế, giới chức TP đã đề ra khẩu hiệu “Thượng Hải bừng sáng”, đặt mục tiêu thiết kế ánh sáng đô thị sẽ là yếu tố chính để Thượng Hải vươn lên tầm thế giới.

Điểm nhấn sông Hoàng Phố
Những năm đầu thế kỷ 20, mệnh danh là “Paris phương Đông”, Thượng Hải là thành phố đầu tiên ở Trung quốc dùng đèn neon để chiếu sáng còn đường Nam Kinh.
Năm 1988, cùng với sự chuyển mình của thành phố, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đề ra dự án thiết kế ánh sáng quy mô lớn. Giới chức thành phố đã thành lập Cơ quan quản lý xây dựng và chiếu sáng, chuyên chịu trách nhiệm trang hoàng các khu vực quan trọng, đặc biệt xác định, điểm nhấn là khu vực sông Hoàng Phố. Các thiết kế đảm bảo cả yếu tố tính công năng và nghệ thuật để kiến tạo khung cảnh cho Thượng Hải bộ mặt một đô thị hiện đại về đêm.

Chính sách "Thượng Hải bừng sáng" được đưa ra từ những năm 1990.
Ban đầu, giới chức thành phố cân nhắc đến việc sử dụng ánh sáng từ cửa sổ các tòa nhà cao tầng đối diện sông Hoàng Phố.
Những người đứng đầu thành phố đã đoán trước được việc cửa sổ của tòa tháp Phố Đông, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn thế giới, sẽ trở thành ánh sáng “xương sống” cho thành phố. Tòa tháp Phố Đông, hiện không chỉ là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn là biểu tượng của sự thành công cả về mặt kinh tế và văn hóa khi Thượng Hải chuyển mình bước sang thế kỷ 21.
Từ lâu, Thượng Hải đã chuẩn bị cho một “nền kiến trúc mới xuyên thế kỷ”. Đường bờ sông Hoàng Phố, nơi trước đây phô bày sự đồ sộ và hoành tráng của kiến trúc thực dân, nay được chỉnh trang lại, qua các tác phẩm thiết kế đô thị tiêu chuẩn cao. Đường Nam Kinh, một con đường thương nghiệp cao cấp, đã trở thành một tuyến đường đi bộ ngoạn mục, xứng đáng là nơi thể hiện rõ rệt nhất các thành tựu của nền kinh tế Trung Quốc.
Kiến trúc cao tầng bên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải. 
Bên kia sông Hoàng Phố là rừng kiến trúc cao tầng Phố Đông mà dẫn đầu là hai công trình: Tháp vô tuyến truyền hình “viên ngọc sáng Phương Đông” cao 486 m mà ban đêm có 576 điểm phát sóng và toà nhà tháp Kim Mậu cao 420,5 m. Những kiến trúc cao tầng nổi tiếng ở Thượng Hải, còn có vai trò như những điểm nhấn nhận diện đô thị.
Cầu Nam Phố - kiệt tác đô thị
Nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng cầu thê hiện đầy đủ ở các đỉnh cao và các cây cầu Nam Phố bắc qua sông Hoàng Phố. Cây cầu này với kiến trúc xoắn ốc độc đáo không chỉ giúp Thượng Hải giải quyết được vấn đề giao thông mà còn trở thành điểm nhấn trong kiến trúc đô thị.
Kiến trúc xoáy ốc của cầu Nam Phố.
Trước khi có cây cầu Nam Phố vào năm 1991, cách duy nhất để qua lại, trao đổi giữa Phố Tây và Phố Đông là đi phà. Sau khi cầu được khánh thành, mỗi ngày có tới khoảng 14.000 đến 17.000 lượt xe qua lại trên cầu. tăng lên 120.000 lượt xe so với năm 2006.  Đầu và đuôi của "con rồng" Nam Phố vắt ngang sông Hoàng Phố - trong một khối hình xoắn ốc tuyệt đẹp.
Đứng từ trên cây cầu Nam Phố, ngắm nhìn Thượng Hải về đêm rực rỡ và lung linh sắc màu hiện đại, sẽ cảm nhận được sự chuyển động không ngừng của một thành phố trẻ hừng hực sức sống.
Chính quyền thành phố Thượng Hải bảo đảm việc xây dựng hạ tầng trước khi xây dựng nhà cửa. Đô thị này triệt để bảo đảm “7 thông”: thông đường, thông điện, thông nước, thông gaz, thông vô tuyến điện, điện thoại, viễn thông… Giới chức thành phố còn đề ra chính sách, khi chưa quy hoạch và thiết kế đô thị xong thì chưa thi công kiến trúc.
Toàn cảnh cầu Nam Phố. 
Đến nay, Thượng Hải vẫn tiếp tục dẫn đầu trong việc thiết kế chiếu sáng đô thị bằng cách tập trung vào các công nghệ chiếu sáng mới thân thiện với môi trường. 

Quy hoạch và kiến trúc là văn hoá và cũng là một phần của các khía cạnh kinh tế - xã hội, nên các học giả phương Tây và Nhật Bản thường xem xét kiến trúc Thượng Hải một cách toàn diện theo các quan điểm đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần