Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến tạo thành phố hai bên bờ sông Hồng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến mặt nước không thể không nhắc tới sông Hồng, con sông đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của đất nước, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. 

Tạo giá trị mới cho Thủ đô

Hà Nội là TP gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là con sông lớn nhất. Sông có chiều dài gần 1.200km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đoạn chảy qua Việt Nam dài khoảng 556km và đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 120km (bắt đầu từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, kết thúc ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên). Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội, KTS Nguyễn Bá Nguyên khẳng định, sông Hồng đoạn chảy qua TP Hà Nội tuy chỉ là một đoạn ngắn so với chiều dài của toàn tuyến nhưng đóng vai trò rất lớn đối với sự hình thành nên yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Bên cạnh việc tạo nên một vùng đất canh tác màu mỡ để phát triển nông nghiệp thì chức năng của sông Hồng trong phát triển giao thông, kinh tế cũng như tạo lập không gian cây xanh, mặt nước, đóng góp hiệu quả cho việc phát triển không gian kiến trúc cảnh quan của Thủ đô là rất rõ rệt.

Sông Hồng đoạn chảy qua quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng
Sông Hồng đoạn chảy qua quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng

Nhận thức được tầm quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng với sự phát triển của Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/7/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Trong đó đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: “Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp...”.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, nhằm cụ thể hóa những định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND, với tổng diện tích khoảng 10.996,16ha, trong đó diện tích sông Hồng chiếm khoảng 30% (khoảng 3.244ha), diện tích dành cho không gian xanh khoảng 49,7% (khoảng 5.462ha). Như vậy, không gian cây xanh, mặt nước chiếm gần 80% diện tích nghiên cứu, phù hợp với định hướng sông Hồng là khu vực thoát lũ, trục không gian xanh cho khu trung tâm Hà Nội. Đây là bước đi quan trọng để đưa sông Hồng trở thành trục không gian xanh trọng tâm của Thủ đô, biến giấc mơ về một TP hai bên sông xanh, hiện đại và đáng sống sớm trở thành hiện thực.

Tạo hình ảnh mới cho Thủ đô

Hà Nội đang tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đã xác định lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Đây là định hướng vô cùng quan trọng, làm tiền đề để đưa ra các ý tưởng độc đáo, giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi giữa nhằm tạo nên một hình ảnh mới, giá trị mới cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trục không gian cảnh quan sông Hồng là các không gian ngoài đê bao gồm mặt nước, không gian bãi sông, những khu vực dân cư hiện hữu. Thông tin cụ thể về một số định hướng chính ban đầu nhằm phát triển và khai thác trục không gian đặc biệt này của Thủ đô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, sẽ xây dựng hệ thống giao thông mới sky-monorail (hệ thống tàu điện treo 1 ray) dọc hai bên sông, kết hợp với việc hình thành tuyến waterbus (xe buýt đường sông) dọc sông kết nối hai bên bờ sông Hồng một cách dễ dàng; đồng thời kết nối cảnh quan và các địa danh du lịch dọc sông. Tầm nhìn đến 2045, nâng cao tĩnh không cầu Long Biên sẽ hình thành tuyến du thuyền khám phá lịch sử và văn hóa cội nguồn từ Phú Thọ (đền Hùng) – Thành cổ Sơn Tây – Hoàng thành Thăng Long – thành Cổ Loa – Bát Tràng – Phố Hiến (Hưng Yên). Đây cũng là trục không gian hành trình di sản sông Hồng và các điểm di tích liên vùng từ Phú Thọ - Hà Nội - Hưng Yên.

Thời điểm này Hà Nội quyết định chọn trục không gian sông Hồng là trục chủ đạo cho sự phát triển trong chủ trương xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, được coi là quyết sách kịp thời và đúng đắn. Bởi, hiện nay khu vực đô thị hai bên sông Hồng đang có tốc độ bứt phá rất mạnh, đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, hài hòa TP hai bên bờ sông Hồng. Và đây cũng là minh chứng rõ ràng, cụ thể cho việc sông Hồng quay trở lại là trục phát triển chủ đạo của TP, đi đúng quy luật phát triển của lịch sử đô thị Thăng Long –  Hà Nội

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Điểm nhấn trên trục sông Hồng là cầu Long Biên sẽ được cải tạo nguyên trạng ban đầu, dừng khai thác cơ giới và chuyển thành không gian đi bộ, biểu diễn, triển lãm, tổ chức sự kiện văn hóa, festival du lịch, công trình kiến trúc điển hình thời kỳ mới của Hà Nội. Hình thành hệ thống quảng trường hai bên đầu cầu kết nối dễ dàng bằng tất cả các phương tiện công cộng, là trục không gian kiến trúc, không gian văn hóa gắn kết hai TP cổ và TP mới, tạo sự hài hòa giao thoa giữa không gian mở của dòng sông Hồng.

Bên cạnh đó, khôi phục các công trình kiến trúc tâm linh có yếu tố lịch sử dọc sông Hồng như hệ thống đền, chùa của nền văn minh sông Hồng, những hình thức văn hóa gắn với truyền thuyết như bãi tắm Chử Đồng Tử, xem xét phát huy làm tăng giá trị và trải nghiệm hòa hợp với thiên nhiên, làm giàu hóa các sân chơi và các sản phẩm du lịch có thể quảng bá trên toàn thế giới. Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư. Đặc biệt sẽ tiến hành cải tạo khu khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông. Di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng ra bên ngoài hàng lang sông. Xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở dự án quy hoạch hai bên sông Hồng. Nghiên cứu bổ sung xây dựng thêm cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối các tuyến đường khu vực Bắc - Nam sông Hồng…