Kiệt tác chân dung Bác Hồ bằng mây tre qua bàn tay nghệ nhân Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bên chân bị teo nhỏ khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1955, ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) vẫn vượt lên nghịch cảnh, một đời gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề mây tre đan truyền thống.

Tại sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tổ chức nhân dịp huyện Chương Mỹ đón nhận bằng công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” hồi cuối tháng 8/2022, nhiều du khách bị ấn tượng bởi bức chân dung Bác Hồ được trưng bày trang trọng ngay sảnh chính dẫn vào sự kiện.

Bức chân dung Bác Hồ được đan thủ công bằng chất liệu mây và tre có chiều cao gần 1,5m, chiều rộng hơn 1m. Đây là một trong những tác phẩm tâm huyết nhất về đề tài Bác Hồ của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung.

Hình ảnh Bác Hồ được khắc hoạ chi tiết, sinh động qua tác phẩm của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Hình ảnh Bác Hồ được khắc hoạ chi tiết, sinh động qua tác phẩm của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ông Trung cho biết bức tranh được sáng tác trong thời gian khoảng 2 tháng. Trước đó, ông đã phải lặn lội nhiều tỉnh thành để tìm kiếm nguồn nguyên liệu phù hợp, có chất lượng để sáng tác ảnh chân dung của Bác.

Người nghệ nhân sinh năm 1955 chia sẻ, từ khi còn là thanh niên, ông đã khao khát đan được một bức ảnh Bác Hồ thật đẹp. Chính mong ước đó đã thôi thúc, làm động lực cho ông không ngừng học hỏi để trau dồi kỹ năng, nâng cao tay nghề.

“Trước khi đan ảnh chân dung của Bác, tôi đã tập đan ảnh chân dung của nhiều người thân, bạn bè. Dù vậy, để hình tượng Bác được thể hiện thật sự sinh động vẫn không phải là điều dễ dàng…” - ông Trung bộc bạch.

Du khách ngắm nhìn bức ảnh Bác Hồ được trưng bày hồi cuối tháng 8/2022 tại huyện Chương Mỹ.
Du khách ngắm nhìn bức ảnh Bác Hồ được trưng bày hồi cuối tháng 8/2022 tại huyện Chương Mỹ.

Khó khăn không khiến ông Trung nản chí. Người nghệ nhân đã nhờ người thân chở đi hàng chục cây số đến trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tìm gặp giáo viên nhà trường để nhờ chỉ dạy về kỹ thuật. Bên cạnh đó, ông sưu tầm rất nhiều tranh ảnh của Bác để nghiên cứu.

“Để có được một tác phẩm chân dung thật sự sinh động, nhất là khi nhân vật lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi phải nghiên cứu kỹ hình ảnh của Bác. Chau chuốt từng sợi mây mảnh mai trắng muốt, sử dụng tới 15 – 16 lối đan kết hợp với nhiều lóng đan để sáng tác…” - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Năm 1976 là thời điểm đánh dấu thành công của ông Nguyễn Văn Trung với bức tượng chân dung Bác Hồ đầu tiên. Từ đó đến nay, người nghệ nhân tiếp tục sáng tác thêm hơn 200 bức chân dung Bác Hồ, như cách bày tỏ tấm lòng trân quý gửi gắm đến vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Những bức chân dung Bác Hồ của ông Trung được du khách đánh giá cao. Không ít trường hợp hỏi mua với giá hàng chục triệu, nhưng ông đều từ chối. Thay vào đó, ông dành tặng các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế nhân những sự kiện quan trọng của đất nước. Số còn lại ông tham gia các triển lãm, hội chợ, trưng bày tại bảo tàng để giới thiệu về làng nghề truyền thống, quảng bá đất nước và con người Thủ đô.

Điều đáng trân quý, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung không chỉ giữ nghề cho riêng mình mà còn sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho nhiều thế hệ sau này. Hiện, trung bình mỗi năm, ông hỗ trợ đào tạo từ 300 đến 500 học viên, trong đó có nhiều học viên khuyết tật được theo học miễn phí.

Sau này, đã có nhiều người thành đạt, làm giàu từ nghề mây tre đan truyền thống với sự giúp đỡ, dìu dắt của ông Nguyễn Văn Trung. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của người nghệ nhân ưu tú tài hoa, tâm huyết, một đời giữ lửa cho nghề truyền thống ở miền quê Phú Vinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần