Kinh doanh gas: Lỏng quản lý, hổng trách nhiệm
Một lần nữa, vấn đề về quản lý hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng, quản lý chất lượng mặt hàng khí hóa lỏng lại được xới lên.
Vẫn chỉ là… cảnh báo
Không phải đến khi một loạt vụ tai nạn liên quan đến việc kinh doanh, sang chiết gas gây hậu quả nghiêm trọng người ta mới giật mình với trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà lời cảnh báo việc buông lỏng quản lý mặt hàng này đã được đưa ra từ rất lâu. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại một thực tế, có quá nhiều cơ quan chức năng cùng… quản lý, nhưng sau khi cấp phép, khâu quản lý, hậu kiểm gần như không ai "nhúng tay" vào. Thấy rõ nhất, là hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất vỏ bình kém chất lượng nhưng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý và nếu có quy trách nhiệm thì cũng không biết quy cho cơ quan nào. Thậm chí, trong lúc xăng dầu - một mặt hàng cũng có nguy cơ cháy nổ cao như gas - được quy định điều kiện kinh doanh khá chặt chẽ, trong đó có điều khoản: cửa hàng kinh doanh xăng dầu không được nằm trong khu dân cư, thì gas lại không bị quy định như vậy.
Tại điều 29, Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cũng chỉ nêu 3 điều kiện đối với cửa hàng bán bình gas (LPG chai). Đó là: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký bán LPG chai; Có hợp đồng mua LPG chai với đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối đáp ứng đủ điều kiện quy định; có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy; giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Như vậy, người kinh doanh có thể mở cửa hàng ở bất cứ đâu, nếu có đủ mấy loại giấy tờ này.
Chất lượng bị buông lỏng
Cùng với lỗ hổng trong quy định về điều kiện mở cửa hàng kinh doanh khí hóa lỏng LPG, chúng ta đang để một lỗ hổng rất lớn trên thị trường gas do công tác quản lý chất lượng sản phẩm khí hóa lỏng chưa nghiêm, kém hiệu quả, không có người chịu trách nhiệm. Cụ thể là tình trạng sang chiết gas lậu diễn ra ngày càng công khai nhưng không hề được kiểm soát chặt chẽ như mong đợi. Và mỗi khi xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng và giá cả của mặt hàng này, người tiêu dùng vẫn không biết hỏi ai.
Trở lại với vụ các doanh nghiệp kinh doanh gas "đón đầu" việc giá gas thế giới tăng đã nhập về hàng trăm tấn DME để trộn vào gas để kiếm khoảng 30.000 - 60.000 đồng/bình 12 kg, trong khi Hiệp hội Gas Việt Nam đã đưa ra cảnh báo từ nhiều tháng trước, song đến nay, việc quản lý vẫn không rõ thuộc của cơ quan nào (?). Theo đại diện Hiệp hội Gas, chất DME khi được bơm vào bình gas sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng do tính chất ăn mòn, lâu ngày sẽ làm hư hỏng vỏ bình gas và các linh kiện cao su dẫn đến dễ bị rò rỉ gas, gây cháy nổ. Ngoài ra, do DME có áp suất, nhiệt thấp nên khi sử dụng nhầm loại gas có trộn chất này sẽ rất lãng phí. Tuy nhiên, đối phó với vấn nạn này chỉ là văn bản của Hiệp hội Gas Việt Nam gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến cáo không được phép pha trộn DME vào sản phẩm gas.
Mặc dù mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 105/2011/ NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 nhưng để Nghị định này thực sự phát huy hiệu lực thì điều kiện tiên quyết vẫn là có quy định cụ thể và chặt chẽ trong việc quản lý, điều hành kinh doanh mặt hàng này, cũng như nỗ lực của các cơ quan được giao trọng trách quản lý thị trường.