Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, kinh nghiệm ở Hội An trong việc giải quyết bài toán xung đột giữa bảo tồn và phát triển là phải luôn gắn bảo tồn với quá trình phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân. Không có sự bảo tồn nào mà không mang lại lợi ích, chia sẻ lợi ích cho người dân, đó có thể là lợi ích về tinh thần, hoặc lợi ích về kinh tế.
Nếu không mang lại, không chia sẻ được lợi ích cho người dân thì công tác bảo tồn sẽ khó thực hiện được. Muốn như vậy thì bảo tồn phải liên kết với phát triển du lịch chứ không thể đơn độc một mình. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác công, tư trong vấn đề bảo tồn, phải có mô hình quản lý thích hợp.
Tuy nhiên, ông Trung cũng đặt vấn đề, dường như mối liên kết giữa ngành du lịch và bảo tồn hiện vẫn còn chưa chặt chẽ lắm. “Cụ thể nhất là ở những hội thảo về bảo tồn, trùng tu thì ít thấy đại biểu ngành du lịch tham gia và ngược lại, cái nào du lịch tổ chức cũng khó tìm thấy đại diện ngành bảo tồn di sản đến dự” - ông Trung thẳng thắn chia sẻ.Nếu không có mô hình quản lý tốt thì việc phát triển du lịch cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn, chẳng hạn như gia tăng du khách sẽ tạo áp lực về biến đổi cảnh quan, ảnh hưởng môi trường. Dựa vào đặc thù của mỗi làng cổ, JICA sẽ hỗ trợ những mô hình để phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, qua đó phát triển du lịch cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế cao khiến các làng nghề truyền thống có thể biến mất, đồng thời dẫn đến sự suy thoái tài nguyên du lịch, văn hóa ở các làng cổ - đô thị cổ. Việc xây dựng mô hình quản lý phù hợp được áp dụng trong du lịch cộng đồng; thiết lập một hệ thống quản lý để thường xuyên bắt kịp những thay đổi, từ đó đưa ra các giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn và sự suy thoái của môi trường du lịch là điều mà các dự án do JICA hỗ trợ tại 3 làng cổ này đang triển khai.Ông Hiroyuki Toyoki - Giám đốc Kỹ thuật, Ban Di sản văn hóa, cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho biết, quá trình gìn giữ, bảo tồn các đô thị cổ, làng cổ ở Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn như Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, theo ông Hiroyuki Toyoki, vấn đề có tính mấu chốt là các quy định văn bản pháp lý phải có tính thích hợp, nhận diện những ưu tiên cho công tác bảo tồn.
Các đô thị cổ, làng cổ ở Việt Nam đều là di tích sống nên phải giải quyết cho được bài toán bảo tồn gắn với quá trình phát triển, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân… Những kết quả trong công tác bảo tồn nhà cổ ở Hội An là kinh nghiệm quý vì ở Nhật Bản ít mô hình khu di sản sống như thế này. Sự thành công của Hội An là đã đưa những đặc trưng của địa phương mình lên phát triển thu hút du khách và xây dựng được quy chế bảo tồn.Theo ông Hiroyuki Toyoki, trước khi người dân tham gia vào những hoạt động về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản làng cổ, đô thị cổ để làm du lịch thì điều trước tiên làm sao để người dân ở đó phải hiểu được giá trị của làng cổ, của di tích nơi mình đang sống. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến mục tiêu bảo tồn. Đồng thời cần có sự kết nối giữa 3 bên chính quyền - người dân - công ty du lịch để cùng phân tích, đánh giá và đưa ra được phương án tối ưu công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Có như vậy thì việc bảo tồn làng cổ mới bền chặt.