Kinh nghiệm các nước khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với các quốc gia Đông Nam Á, thị trường Trung Quốc với nhu cầu lớn gia tăng và vị trí địa lý gần gũi đã trở thành một trong những “bạn hàng” nông sản rất tiềm năng.

Các sản phẩm tiềm năng với thị trường Trung Quốc

ASEAN giữ vững ngôi vị là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại 10 tháng lên đến hơn 720 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, trong đó nhập khẩu trong tháng 10 của Trung Quốc từ ASEAN tăng 10,2%.

Một số mặt hàng đáng chú ý là đậu nành với mức tăng nhập khẩu của Trung Quốc ở 25% trong tháng 10 đã đạt mức tăng theo năm là 25%. Mặt hàng nữa là sầu riêng, gần như toàn bộ loại trái cây này tiêu thụ ở Trung Quốc đều được nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của trang Produce Report, năm 2022 Trung Quốc chi khoảng 14,6 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây, tăng 8% so với năm 2021.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 cũng giúp Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á. Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Thái Lan với 5 nhóm trái cây chính gồm chuối, dừa, sầu riêng, thanh long và nhãn…

Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Lam Thanh
Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Lam Thanh

Nhìn chung khu vực Đông Nam Á đang là nguồn cung cấp nông sản chính cho nhiều thị trường lớn trên thế giới, rất nhiều mặt hàng song trùng với nhu cầu từ Trung Quốc.

Từ câu chuyện trái sầu riêng… đến xuất khẩu bền vững

Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

Do đó, đối với một thị trường ngày càng khó tính hơn, các đối tác Đông Nam Á cũng phải chuyển đổi sang hướng xuất khẩu bền vững hơn thông qua chiến lược tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng cường số lượng qua cải tiến về logistics hay xây dựng thương hiệu… Cụ thể là câu chuyện từ trái sầu riêng -– mặt hàng nhiều quốc gia Đông Nam Á đang cạnh tranh để đưa vào thị trường Trung Quốc.

Trong đó, Thái Lan đang tính đến việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt, mỗi chuyến tàu hỏa có thể chở 50 - 100 container sầu riêng sang Trung Quốc, đồng thời kiểm tra gắt gao hơn với những lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc về cả chất lượng, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… Nước này cũng khuyến cáo và hướng dẫn người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để làm sao khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc quả sẽ chín mềm, dậy mùi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Một thông tin khác được chú ý trên thị trường rau quả Đông Nam Á gần đây là tập đoàn nông nghiệp PLS Plantainon của Malaysia và MYFARM Inc của Nhật Bản đã hợp tác thành lập liên doanh trồng 1.000 ha sầu riêng. Giá trị của thương vụ hợp tác này tương đương 95 triệu USD - khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực trồng sầu riêng ở Malaysia cho đến nay. Việc hai “ông lớn” trong ngành nông nghiệp hợp tác được kỳ vọng đem đến những bước tiến lớn cho nông sản Malaysia.

Ngoài việc cạnh tranh về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu, cuộc chiến về thương hiệu sầu riêng cũng đang diễn ra ở thị trường Trung Quốc. Thái Lan có sầu riêng Monthong, Malaysia có giống Musang King, Black Thorn…

Từ đó có thể thấy, để bảo đảm xây dựng quan hệ xuất khẩu bền vững đối với Trung Quốc hay các thị trường lớn khác, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng nông sản là ưu tiên số 1 khi xuất khẩu, DN khu vực cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tăng giá trị xuất khẩu cũng như bảo đảm uy tín và quan hệ làm ăn lâu dài.

Giao thông - huyết mạch thúc đẩy xuất khẩu

Việc vận chuyển, thúc đẩy các tuyến đường xuất khẩu cũng là vấn đề quan trọng đối với mặt hàng nông sản. Thái Lan vừa qua thông báo quyết định tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường sắt.

Cụ thể, hệ thống đường sắt Thái Lan - Lào và Lào - Trung Quốc sẽ thiết lập một mạng lưới hậu cần mạnh mẽ hơn cho thương mại xuyên biên giới, cho phép tiếp cận rộng rãi hơn các sản phẩm nông nghiệp Thái Lan trên thị trường toàn cầu. Mặt khác, vận chuyển bằng đường sắt cũng giúp hàng nông sản của Thái Lan tới Trung Quốc trong thời gian ngắn hơn, giảm chi phí thông thương từ 30 - 50% trong vòng 3 tới 5 năm tới.

Trong khi đó, theo Bộ Thương mại Thái Lan kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc đi vào hoạt động. Theo dự báo, trong năm 2023, Thái Lan sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 2,5 triệu tấn trái cây tươi, tương đương giá trị hơn 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 600 triệu USD so với năm ngoái.
Quảng bá đồng thời quản lý quyền sở hữu trí tuệ

Trong quá trình làm việc với những thị trường lớn, vấn đề đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng được các nhà xuất khẩu lớn của Đông Nam Á chú trọng để quảng bá hiệu quả đồng thời bảo vệ quyền lợi các nhà sản xuất trong nước.

Thái Lan đã xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá sản phẩm. Tính đến tháng 12/2020, trong số các nước ASEAN, Thái Lan đang là quốc gia có số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhiều nhất (137 chỉ dẫn địa lý thuộc 76 tỉnh/TP).

Trong khi đó, Indonesia cũng rất quan tâm vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà sản xuất trong nước, tránh tình trạng quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Các hoạt động quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài chủ yếu do Cơ quan sở hữu trí tuệ Indonesia thực hiện.

Nước này đã xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá sản phẩm.

Indonesia tập trung xây dựng hình ảnh và triển khai các chiến dịch quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài thông qua các hình thức như: tổ chức hội chợ, triển lãm, sự kiện truyền thông xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; xuất bản các ấn phẩm truyền thông, quảng bá sản phẩm (hình ảnh sản phẩm luôn được gắn liền với hình ảnh vùng địa danh).