Nhật Bản xem trọng các chiến lược sở hữu trí tuệ
Là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất, Nhật Bản luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề bảo hộ thương hiệu sản phẩm, xây dựng và quảng bá hình ảnh những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Vào năm 2007, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã đề ra Chiến lược sở hữu trí tuệ đầu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm gắn chặt việc bảo hộ thương hiệu các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với phát triển lĩnh vực then chốt này.
Sau những thành công của chiến lược đầu tiên, MAFF tiếp tục đề ra hai chiến lược tương tự vào tháng 3/2010 và tháng 5/2015 nhằm thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Cả ba chiến lược trên cho thấy sự tương đồng cũng như khác biệt trong cách tiếp cận của Chính phủ Nhật đối với việc bảo hộ thương hiệu các sản phẩm.
Chiến lược thứ nhất và thứ hai đề ra các biện pháp dựa trên ba trụ cột chính là: thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng tài sản trí tuệ; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực.
Chiến lược thứ ba dựa trên nền tảng của chiến lược thứ hai để xây dựng các biện pháp cụ thể hơn, trong đó khuyến khích việc tạo ra, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ mới dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, tức là chú trọng vào những sản phẩm mà người dân thường dùng hằng ngày.
Từ những chiến lược này, nhiều biện pháp mang tính hệ thống đã được triển khai, chẳng hạn: ban hành và sửa đổi Đạo luật Bảo vệ tên của các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sửa đổi Luật bảo vệ giống cây trồng và ban hành Đạo luật cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến giống cây trồng và vật nuôi.
Vào năm 2020, trước khi chiến lược thứ ba đi đến hồi kết, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai Kế hoạch thúc đẩy sở hữu trí tuệ nhằm kêu gọi việc tăng cường các nỗ lực bảo vệ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chẳng hạn xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ mới.
Cũng tại thời điểm đó, Tokyo tăng cường việc kiểm soát sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cao cấp như: trái cây và rau quả được bán ra nước ngoài nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Chính phủ Nhật Bản cũng dành sự quan tâm đối với việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý (GI), trong đó tập trung xây dựng đạo luật GI nhằm bảo vệ tên tuổi, thương hiệu của những sản phẩm đạt được danh tiếng nhờ vào phương pháp sản xuất độc đáo và điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp.
MAFF cho biết Nhật Bản đang sử dụng các biểu tượng chỉ dẫn địa lý chuyên dụng để biểu thị các sản phẩm được bảo vệ. Cơ quan này đang đẩy mạnh việc đưa thực phẩm chế biến vào sổ đăng ký GI với mục tiêu phấn đấu đạt được hai trăm chỉ dẫn địa lý vào năm 2029, đồng thời thúc đẩy cải thiện chất lượng của hệ thống GI.
Song hành với việc ban hành các văn bản pháp luật, vấn đề đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn luôn được Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm, đặc biệt là khi những hiểu biết của các cán bộ tuyến đầu về lĩnh vực này còn hạn chế.
MAFF nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra một môi trường nơi mà các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo nông nghiệp, các DN nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như người tiêu dùng có thể tìm hiểu về quyền sở hữu trí tuệ theo những cách phù hợp với tính chất công việc của họ.
Châu Âu xem bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vấn đề cốt lõi
Các nước châu Âu đặc biệt quan tâm đến hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, xem hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) là một trong những phương thức quan trọng để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vào ngày 31/3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua đề xuất quy định về chỉ dẫn địa lý cho rượu vang, đồ uống có cồn, sản phẩm nông nghiệp. Đề xuất này nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng GI trên toàn các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu (EU), tăng cường mức độ bảo hộ cho các sản phẩm, hướng đến tạo ra nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế nông thôn.
Cơ quan này cũng đưa ra một số biện pháp nhằm cải thiện hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý như: tăng cường bảo vệ GI trên internet, đặc biệt liên quan đến việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến, ngăn chặn các hành vi đăng ký với mục đích bất hợp pháp; cho phép các nhóm quản lý, thực thi và phát triển chỉ dẫn địa lý có thể tiếp cận với hải quan và các cơ quan chống hàng giả ở tất cả các quốc gia EU; rút ngắn một thủ tục đăng ký GI duy nhất cho người nộp đơn thuộc EU hoặc từ các khu vực bên ngoài.
Nhằm quảng bá cũng như tăng cường hiểu biết của người dân, cơ quan, tổ chức về việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm, EC đã tích hợp chuyên mục sản phẩm địa phương trên cổng thông tin điện tử, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc bảo hộ, kiểm soát chất lượng của các đặc sản vùng miền.
Một số thành viên của EU đang có những chiến lược, chính sách bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tiến bộ, hiệu quả.
Bồ Đào Nha luôn là một trong những quốc gia có hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng đặc sản địa phương mang chỉ dẫn địa lý khoa học và chặt chẽ. Đây được xem là tiền đề quan trọng để quốc gia châu Âu này thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm địa phương ra nước ngoài, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm của mình trên trường quốc tế.
Quốc gia này thực hiện hoạt động quảng bá một cách bài bản, có hệ thống và kết hợp đa dạng nhiều hình thức, trong đó đặc biệt chú trọng việc kiểm soát và chứng nhận chất lượng sản phẩm, bao gồm: kiểm soát vùng sản xuất, chế biến; kiểm soát việc lưu kho, bảo quản sản phẩm, kiểm soát đóng gói, gắn tem…
Là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, Pháp đang xây dựng và phát triển có hiệu quả hệ thống bảo hộ chỉ dẫn nguồn gốc cũng như kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn nguồn gốc.
Hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm được thực hiện đồng bộ bởi ba nhóm chủ thể: Ủy ban liên ngành, Hiệp hội thương mại chuyên ngành và Cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó nhấn mạnh vai trò của cơ quan đầu mối INAO (Institut National De L’origine Et De La Qualité) trong quản lý, kiểm soát chất lượng và quảng bá sản phẩm địa phương.
Trong tương lai, vấn đề bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vẫn sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia, cả nước phát triển lẫn quốc gia đang phát triển, nhất là khi quá trình hội nhập toàn cầu đi kèm với những thách thức liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp.