“Nếu không có hành động ngay từ bây giờ, số lượng rác thải sẽ lớn hơn số lượng cá trên đại dương vào năm 2050”, thông tin này được ông Jan Wilhelm Grythe - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đề cập khi chia sẻ về tầm quan trọng của phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Hội thảo “Tiếp cận Đa bên – Chìa khóa Thành công của nền Kinh tế Tuần hoàn” ngày 30/11.
Kinh tế tuần hoàn nhìn từ…thu lượm ve chai
Theo Phó Đại sứ Jan Wilhelm Grythe, rác thải và ô nhiễm nhựa là mối quan tâm lớn trên toàn cầu, trở thành thách thức mang tầm quốc gia và quốc tế. 80% rác thải nhựa đến từ khu vực đất liền và Đông Nam Á cũng đóng góp khá lớn vào số lượng này. Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, tuy nhiên điều đáng lo ngại là tốc độ tăng rác thải cũng gia tăng tỷ lệ thuận theo đó. Việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa phù hợp là tiền đề để chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu phát triển xanh và đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Ông Jan Wilhelm Grythe - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. |
Từ phía doanh nghiệp, TS Tine Rorvik, Giám đốc toàn cầu về kinh tế tuần hoàn của tập đoàn SCG chia sẻ khái quát: “Đầu tiên nguyên liệu thô sản xuất ra các sản phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Sau đó sản phẩm qua sử dụng sẽ được thu hồi để tránh rò rỉ ra môi trường. Đó là khái niệm đơn giản cho tính tuần hoàn trong quy trình sản xuất”. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiện đang thúc đẩy quy trình tuần hoàn này để đảm bảo phát triển xanh và bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhằm đạt mục tiêu trên, các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều biện pháp để thu gom, phân loại và xử lý rác thải hiệu quả. Một trong số đó, chuyên gia Jacob Rognhaug từ Tập đoàn TOMRA đã đề cập tới một hệ thống thu rác đặt cọc hoàn trả (DRS) theo công nghệ cảm biến, hiện đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. “Khi mua 1 chai đồ uống, người mua sẽ phải đặt cọc và sau khi trả lại vỏ chai họ nhận lại tiền cọc. Trong hệ thống này sử dụng cảm biến để nhận dạng các sản phẩm được hoàn lại qua nguyên liệu, tương tự máy giao dịch tự động”, ông Jacob ví dụ.
Đối với thị trường như Việt Nam, nơi ve chai (các hình thức thu lượm rác thải không chính thức) còn phổ biến, vẫn có thể áp dụng DRS để đảm bảo sự tuần hoàn của sản phẩm, bằng cách thu hút sự tham gia của cộng đồng này để tránh ô nhiễm thứ cấp, chuyên gia này nhận định.
Chìa khóa thành công là cách tiếp cận đa bên
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Đại sứ Na Uy khẳng định, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cũng giống như chuyển đổi năng lượng – quá trình này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. “Chính phủ, khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự phải hợp tác hiệu quả cùng nhau để thúc đẩy quá trình này. Đây là yếu tố then chốt và cũng là mô hình mà Na Uy đã áp dụng thành công và muốn được giới thiệu với Việt Nam”, ông Jan Wilhelm Grythe nhấn mạnh.
Chuyên gia Jacob Rognhaug (phải) từ tập đoàn TOMRA (Na Uy) chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. |
Chuyên gia Jacob Rognhaug cũng khẳng định, để các hệ thống thu lượm và phân loại rác thải như DRS có hiệu quả vẫn cần quy định về chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và bên tiêu dùng để đảm bảo thành công cuối cùng. Hiện Liên minh châu Âu (EU) có đạo luật về sản phẩm nhựa dùng 1 lần có hiệu lực từ năm 2019 để các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp khác nhau. Tại châu Á, Singapore, Hàn Quốc cũng đã áp dụng hệ thống DRS thu hồi với các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Nỗ lực của Việt Nam
Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng trong việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) chất thải nhựa. Lấy một ví dụ là Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường Công tác Quản lý Chất thải Nhựa ở Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu thu gom, tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý được 85% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm 50% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% các địa điểm, cơ sở du lịch và các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Mới đây, Bộ TN&MT đã cùng với UNDP công bố thành lập Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam (Vietnam Circular Economy Hub) nhằm mục đích nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các biên liên quan.
Quỹ CDIA cam kết một dự án hỗ trợ TP Vũng Tàu trong xử lý chất thải rắn. |
Tại Hội thảo, đại diện Quỹ CDIA (Quỹ sáng kiến phát triển đô thị Châu Á) công bố dự án cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho TP Vũng Tàu trong quản lý chất thải rắn. Đây là chương trình đầu tư quản lý mang tính tổng thể bao gồm tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, tới thu gom, phân loại tại cơ sở trung chuyển, tái chế và xử lý, cho đến công đoạn cuối cùng là loại bỏ chất thải.
Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam ông Andrew Jeffries cho biết, kết quả từ dự án sẽ góp phần xây dựng lộ trình để ADB kết hợp với các đối tác và chính phủ Việt Nam mở rộng sang mô hình phát triển xanh cho Việt Nam hậu Covid-19. “Đại dịch Covid-19 mặt khác là cơ hội cho chúng ta xây dựng lại cộng đồng với những mô hình phù hợp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”, ông Andre Jefffries nhận định.
Đánh giá cao nhưng nỗ lực của Việt Nam trong hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, ông Andrew cho biết một trong những cơ sở pháp lý là Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 - có hiệu lực năm sau, là điều kiện thuận lợi cho vận hành kinh tế tuần hoàn.
Các chuyên gia đều đánh giá đây là thời điểm vô cùng thích hợp để lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành nhựa nhằm sử dụng tài nguyên thông minh, giảm phát thải hiệu quả và phục hồi môi trường. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP 26) vừa qua, Việt Nam đã ký kết vào bản Tuyên bố Toàn cầu về Chuyển đổi từ Than sang Năng lượng Sạch và cam kết mạnh mẽ sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào 2050.