Kinh tế Hà Nội vững vàng trước khó khăn
Kinhtedothi - Kinh tế Hà Nội trong quý I/2025 đã có sự bứt tốc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 8% cả năm 2025, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Hà Nội đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các ngành kinh tế vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thực chất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trải nghiệm các ứng dụng chuyển đổi số của hệ thống chính trị Thủ đô, tháng 3/2025. Ảnh: Thanh Hải
Tối ưu hóa nguồn lực phát triển
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý I/2025 ước tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao trong 5 năm gần đây. Trong quý I, có số ngày nghỉ lễ, Tết khá dài, làm giảm nhịp độ sản xuất và hoạt động thương mại trên địa bàn, nhưng GRDP tăng tích cực cho thấy sức vươn của Thủ đô.
Quý I/2025, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 49,5% dự toán năm, tăng 69,3% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý cao nhất cả nước đạt 14,3 nghìn tỷ, tăng 43,8%. Khách du lịch đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ tăng 18,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,3%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I thấp hơn so với bình quân cùng kỳ 2,37 điểm phần trăm. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2025 cao nhất trong nhiều năm gần đây, ước đạt 14,3 tỷ USD. Đáng chú ý, quý I/2025, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hà Nội tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 1,415 tỷ USD.
Dù tăng trưởng kinh tế quý I/2025 của Hà Nội tích cực, nhưng từ nay đến cuối năm dự báo sẽ gặp phải nhiều thách thức. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến số, căng thẳng thương mại và biến động địa chính trị sẽ tiếp tục là những thách thức lớn. Việc thay đổi chính sách của một số nền kinh tế lớn, áp lực tỷ giá tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ đã tác động đến kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam…
Năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên. Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… Theo các chuyên gia, giờ là lúc cần khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. TS Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Hà Nội có dịch vụ chiếm tới 2/3 nền kinh tế, cho thấy Hà Nội đang trở thành một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, thay vì phát triển cân bằng giữa các lĩnh vực. Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao ở lĩnh vực bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, nhưng vẫn chưa có các trung tâm tài chính quốc tế lớn như: Singapore hay Hongkong (Trung Quốc).
Lắp ráp thiết bị điện tử tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Cho rằng, Hà Nội phải phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế của Hà Nội vẫn phải tính dịch vụ là chính, tận dụng lợi thế. GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước gợi ý, Hà Nội cần đầu tư vào khu vực phố cổ, phục vụ du lịch thương mại. Đồng thời, phát triển trục sông Hồng, dịch vụ du lịch, tạo tăng trưởng bền vững. Kêu gọi nhà đầu tư vào khu tiềm năng, khai thác cảnh quan thiên nhiên vào Sóc Sơn, Ba Vì, khu vực lưu trú cho giới tinh hoa. Như vậy, sẽ tạo ra tăng trưởng nhanh. Cùng với đó, là khai thác du lịch thông minh phát triển bền vững lâu dài...
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Hà Nội cần đánh giá lại thực trạng sản xuất các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu; tháo gỡ vướng mắc, rào cản và cung cấp hỗ trợ cần thiết để khai thác tối đa năng lực sản xuất, để công nghiệp chế tác, chế tạo có được tăng trưởng cao nhất có thể (phải trên 8%). Về dịch vụ, ngắn hạn trước mắt, từng sở, ngành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các ngành dịch vụ thuộc phạm vi quản lý và thực hiện ngay các giải pháp cần thiết, tận dụng hết cơ hội, tiềm năng sẵn có để ít nhất duy trì tăng trưởng cao như hiện nay (đối với dịch vụ đã có tăng trưởng cao và có vai trò lớn trong kinh tế Thủ đô, gồm: thương mại, tài chính ngân hàng, vận tải, kho bãi...). Thúc đẩy tăng trưởng thêm ít nhất một điểm % đối với các dịch vụ có tăng trưởng mức trung bình (như giáo dục, đào tạo và khoa công công nghệ). Phục hồi ngay tăng trưởng của dịch vụ y tế lên mức khoảng 7 - 8% năm 2025 và cao hơn trong các năm sau.
Về trung và dài hạn, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, việc khôi phục lại và đẩy mạnh công nghiệp hóa kinh tế TP bằng cách xây dựng thêm một số khu công nghiệp công nghệ cao là cần thiết; Hà Nội chỉ thu hút công nghiệp công nghệ cao và sản xuất xanh. Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, dư địa tăng trưởng của Hà Nội là các DN đang đi vào lĩnh vực mới như kinh tế số. Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế số, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Nổi bật là thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), tiền số, tạo hệ sinh thái cho các thành phần này đóng góp cho tăng trưởng. Về kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cao.
Ứng phó linh hoạt, bám sát tình hình
Sở Công Thương Hà Nội Hà Nội cho biết đã thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến, thay đổi trong chính sách thương mại của các nước lớn, trao đổi với các DN nắm bắt nhu cầu thị trường từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp. “Sở đang tham mưu cho TP và có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN Hà Nội đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý và quản trị. Hà Nội có chủ trương ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, tới đây, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức, đón các đoàn DN, đối tác quốc tế đến giao thương, kết nối đầu tư với DN Hà Nội để vừa mở rộng xuất khẩu, vừa thu hút chuyển giao công nghệ hiện đại”- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết.
Trích dẫn
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, TP Hà Nội phải nỗ lực rất lớn. Lãnh đạo các sở, ngành nhận định trong năm 2025, để tăng 1% GRDP, Hà Nội cần thêm 8.770 tỷ đồng so với năm 2024. Với mục tiêu đạt trên 8%, Chi cục Thống kê Hà Nội đã phối hợp Sở Tài chính xây dựng kịch bản tăng trưởng với từng ngành. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, cần tiếp tục duy trì tăng trưởng tối thiểu khoảng 3,1%. Khu vực công nghiệp và xây dựng cần đạt mức tăng cả năm là 7,72%. Ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch thu hút 31 triệu lượt khách (tăng 11,5%), thu trên 130.000 tỷ đồng.
Đối với du lịch - một trong những thế mạnh của Thủ đô, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, ngành Du lịch đã xây dựng kế hoạch, phấn đấu tăng 11,5% số khách (31 triệu người), tăng thu 17,5% (130.000 tỷ đồng) trong năm 2025; hướng đến gia tăng nguồn thu từ chi tiêu của du khách. Theo đó, ngành Du lịch đã đề ra một loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá nhắm vào thị trường mục tiêu; kết nối với hãng hàng không để mở thêm các đường bay. Đồng thời, tăng cường liên kết với các tỉnh, TP để xây dựng tour tuyến du lịch kết nối với Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Thu Hằng thông tin thêm, TP sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%... Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng và lấp đầy các khu cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Đồng thời, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các DN mở rộng thị trường; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thương mại, kích cầu tiêu dùng.
Hà Nội cũng yêu cầu ngành chức năng theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nhóm hàng hóa thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá trong các thời điểm cao điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Chú trọng cải cách hành chính để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh...
Đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng tối đa Luật Thủ đô
Xác định rõ lợi thế, cũng như khó khăn thách thức, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, lịch sử Hà Nội trong 15 năm gần đây có thời điểm tăng trưởng trên 8% như năm 2015, năm 2017. Gần nhất là năm 2022, Hà Nội tăng trưởng kinh tế 8,29%, đóng góp tích cực cho kinh tế cả nước. Hà Nội phấn đấu năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 8% và những năm tới phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Thực tế để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào quy mô. Chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trích dẫn
Luật Thủ đô 2024 cho phép TP thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội trong quy hoạch không gian, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số trong quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công. Điều này tạo tiền đề để Hà Nội trở thành hình mẫu đô thị sáng tạo, bền vững trong khu vực.
Với lợi thế từ các chính sách đặc thù và các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; phấn đấu hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) để phục vụ quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, quan tâm, ưu tiên đầu tư vào giáo dục, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối các viện nghiên cứu với DN để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội vươn ra thế giới.
Hà Nội cũng thúc đẩy hội nhập quốc tế, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và dịch vụ chất lượng cao, tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024. Chính quyền TP sẽ tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu xây dựng "chính quyền phục vụ - DN cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".
Trích dẫn
Luật Thủ đô 2024 không đơn thuần là một luật riêng biệt cho một địa phương. Đây là bước đột phá thể chế, tạo tiền đề để Hà Nội phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Từ việc phân cấp mạnh mẽ, cơ chế giữ lại nguồn thu, đến các chính sách ưu đãi và mô hình hiện đại, Luật đã trao cho Hà Nội một công cụ pháp lý đầy tiềm lực.
GS.TS Hoàng Văn Cường
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP sẽ tiến hành nhiều công việc mang tính thử nghiệm, đột phá; cởi trói về thể chế, theo đúng tinh thần biến điểm nghẽn trở thành lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho Thủ đô. Hà Nội đặt mục tiêu sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. TP sẽ phân cấp, ủy quyền triệt để theo từng ngành, lĩnh vực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, TP sẽ đóng dấu "làn xanh" cho các nhóm hồ sơ thủ tục công việc cần ưu tiên giải quyết liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng; xuất khẩu, logistics và thương mại quốc tế; hỗ trợ tài chính và kích cầu tiêu dùng; nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh.
Trích dẫn
Chúng tôi đang cố gắng xem xét các phương án tăng năng suất và tiết giảm chi phí để có thể đảm bảo được mức giá thành cạnh tranh, không gây ra những biến động lớn về giá cả cho hàng hóa xuất khẩu, ngay cả khi Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn.
Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu VK Hoàng Kim Khôi

Kinh tế Việt Nam vững vàng trước “sóng cả”
Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 4/2025 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm 2024.

Hà Nội triển khai giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1640/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Những chính sách về kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2025
Kinhtedothi - Bước sang tháng 5/2025, hàng loạt chính sách, quy định và thông tư mới sẽ chính thức có hiệu lực, tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế, từ quản lý kinh tế, xây dựng cho đến quy định về công tác phí và giá dịch vụ.