Kinh tế Mỹ hạ nhiệt giúp Fed “thở phào” về lãi suất

Nguyễn Phương - Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà giao dịch nhận định có 93% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 20/9, trong khi khả năng không tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11 tới là khoảng 57%.

Theo tờ Finanial Times, dữ liệu việc làm và giá cả mới nhất xác nhận nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho Fed giữ lãi suất ổn định, ngay cả khi cơ quan này để ngỏ khả năng nối lại chiến dịch thắt chặt tiền tệ lịch sử vào cuối năm nay.

Chính sách của Fed phát huy hiệu quả

Theo báo cáo việc làm được công bố hôm 1/9, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng trong tháng 8 khi có thêm 187.000 việc làm - bằng chứng mới nhất chứng tỏ nền kinh tế đang bắt đầu giảm tốc.

Tuy nhiên, việc tỷ lệ thất nghiệp đang trở lại mức trung bình ngay trước khi Mỹ tuyên bố dịch Covid-19 đặt ra kịch bản Fed sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới "hạ cánh mềm".

Giới đầu tư đang kỳ vọng “kịch bản Goldilocks” có thể xảy ra, theo Financial Times. “Kịch bản Goldilocks” là thuật ngữ để chỉ nền kinh tế lạm phát được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Đó là một trạng thái kinh tế mà tăng trưởng không quá nóng - có thể khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát - nhưng cũng không quá lạnh (tăng trưởng chậm) khiến nền kinh tế trì trệ và có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách từ ngày 19 - 20/9 tới. Nguồn: AP
Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách từ ngày 19 - 20/9 tới. Nguồn: AP

Dữ liệu mới được đưa ra chỉ 3 tuần trước cuộc họp quan trọng của Fed, khi Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức sẽ quyết định xem liệu họ có tiếp tục thắt chặt nền kinh tế đủ để đưa lạm phát kỷ lục trở lại tầm kiểm soát hay không, sau khi đã tăng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 22 năm.

Các nhà đầu tư và hoạch định chính sách đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt, vì việc làm và tăng trưởng lương là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Bình luận về số liệu việc làm mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/9 đã bác bỏ một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục siết lãi suất mạnh hơn để kiểm soát lạm phát. Thay vào đó, ông Biden cho biết chính quyền của ông đã nỗ lực “nhiều tháng trời để giảm lạm phát đồng thời tạo thêm việc làm và tăng lương”.

Nhiều nhà đầu tư lạc quan kỳ vọng Fed sẽ từ bỏ việc tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách từ ngày 19 - 20/9, khiến lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25 - 5,5%.

Gargi Chaudhuri - người đứng đầu chiến lược đầu tư iShares châu Mỹ tại BlackRock, nói rằng Fed không cần phải “diều hâu” nữa: “Bây giờ là thời điểm để cho lãi suất hiện tại tiếp tục phát huy tác dụng như trước đây”.
Bên cạnh đó, báo cáo lạm phát công bố ngày 31/8 cho thấy mức tăng giá đã chậm lại mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh trong mùa Hè này.

Các chuyên gia kinh tế và đầu tư cho rằng Ngân hàng T.Ư Mỹ có thể chờ đợi trước khi gây thêm tổn thất cho nền kinh tế. “Thực sự không có lý do gì để họ (Fed) thắt chặt hơn nữa vào thời điểm này. Sẽ rất có ý nghĩa nếu có thể tạm dừng (tăng lãi suất) trong một thời gian khá dài” - Jan Hatzius, kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết.

Nếu Fed từ bỏ đợt tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới, họ sẽ duy trì tốc độ thắt chặt dần dần bắt đầu vào mùa Hè này, khi Ngân hàng T.Ư Mỹ kết thúc 10 tháng tăng lãi suất liên tiếp bằng cách tạm dừng vào tháng 6 và nâng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 7.

Fed chưa sẵn sàng nới lỏng tiền tệ

Hiện rất khó chắc chắn liệu Fed có nâng lãi thêm lần nào nữa trong năm nay hay không. Giới chuyên gia nhận định, Fed có thể giữ nguyên lãi suất đến hết năm nếu thị trường việc làm và kinh tế tiếp tục hạ nhiệt, giúp ghìm lạm phát.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME trong tuần trước, khả năng hơn 90% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 19 - 20/9. Tuy nhiên, xác suất Fed tiếp tục “án binh bất động” trong cuộc họp tháng 11 được thị trường đặt cược ở mức thấp hơn, chỉ khoảng 60%.

"Các số liệu sắp tới có thể chỉ ra lạm phát chậm lại. Đồng nghĩa Fed sẽ giữ nguyên lãi suất đến hết năm nay. Nhưng tôi tin rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian nữa" - Leslie Thompson - Giám đốc Đầu tư tại Spectrum Wealth Management nói với đài CNN.

Chuyên gia Thompson cho rằng việc các DN công bố lợi nhuận quý ảm đạm cũng không khiến thị trường sợ hãi bằng số liệu cho thấy lạm phát vẫn sẽ tăng tốc. Vì điều này có thể khiến Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trong bài phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming, hồi cuối tháng 8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng lạm phát vẫn “quá cao” và có thể cần phải thắt chặt hơn nữa.

Việc dừng nâng lãi trong tháng 9, nhưng tăng trở lại vào tháng 11 có thể là nỗ lực của Fed nhằm giảm tốc trước khi chuyển sang giai đoạn ổn định lãi suất. Hồi tháng 6 vừa qua, Fed so sánh cuộc chiến chống lạm phát giống như lái một chiếc ô tô và họ đang giảm tốc dần khi gần đến đích.

Dù vậy, một số quan chức Fed vẫn tin rằng cơ quan này cần tăng lãi nhiều lần nữa để đưa lạm phát sớm quay về mục tiêu 2%.

Phát biểu với đài CNBC hôm 6/9, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins, cho biết Fed có thể đã "tới gần hoặc thậm chí đạt đỉnh" trong việc nâng lãi suất.

Tuy nhiên, bà Collins cho rằng việc nâng lãi suất thêm có thể cần phụ thuộc và dữ liệu sắp tới sẽ ra sao, đồng thời cảnh báo nếu sự cải thiện chỉ diễn ra thoáng qua thì có thể cần phải thắt chặt lãi suất hơn nữa.

Trong khi đó, một số quan chức khác lại cho rằng Fed đã làm quá đủ. Điều này cho thấy quan điểm của các quan chức Fed vẫn còn nhiều khác biệt.

"Tôi cảm thấy chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã phát huy hiệu quả. Chúng ta nên thận trọng và kiên nhẫn chờ tác động của chính sách đối với nền kinh tế, để tránh thắt chặt quá mức và gây tổn thương kinh tế không cần thiết" - Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết trong bài phát biểu tại Nam Phi tuần trước.

Giới chức Fed hiện đang cố gắng cân bằng giữa nguy cơ ép nền kinh tế quá mạnh và gây ra tổn thất kinh tế không đáng có, với nguy cơ khiến lạm phát duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài.

 

Omair Sharif - Chủ tịch nhóm dự báo Inflation Insights cho biết, ông lo lắng về nguy cơ lạm phát sẽ tái xuất hiện trong quý cuối cùng năm nay, nếu các lĩnh vực như thị trường ô tô vẫn quá nóng. Vị chuyên gia cảnh báo: “Chúng ta đang đi sai hướng, từ gần đạt mục tiêu đến tăng trở lại khoảng 3,5% đối với chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi”. Tính đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng đã dao động ở mức 4,7%. Chuyên gia Sharif dự báo sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất khác của Fed vào cuối tháng 12/2023.

 

Một mối lo ngại là liệu chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và các dấu hiệu phục hồi kinh tế khác có nghĩa là Fed sẽ cần hạn chế cung tiền hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% - một rủi ro được cả Chủ tịch Powell và các quan chức như Chủ tịch Fed tại Boston Susan Collins cảnh báo gần đây.

Đó cũng là nỗi quan ngại đối với ông Marc Giannoni, người trước đây làm việc tại các ngân hàng khu vực của Fed ở Dallas và New York và hiện đang làm việc tại Barclays. Ông Giannoni dự báo đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm này với bước nhảy 0,25% sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.