KTĐT - Gần 1/3 số nhà kinh tế trên dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản trong năm nay, số còn lại dự báo thời điểm đó là vào quý 1/2012.
56 chuyên gia kinh tế tham dự cuộc điều tra dư luận của tờ WSJ nhận định, tới quý 4, GDP của Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6%. Mỗi tháng, kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm khoảng 200.000 việc làm và đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 8,3% vào cuối năm.
Gần 1/3 số nhà kinh tế trên dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản trong năm nay, số còn lại dự báo thời điểm đó là vào quý 1/2012.
Cũng theo cuộc điều tra này, giá tiêu dùng trong năm của Mỹ sẽ tăng 2,8%. Lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và lương thực) tăng 1,7%, trong phạm vi cho phép. Giá dầu sẽ xuống dưới 100 USD/thùng vào cuối năm nay.
Kết quả này cho thấy, các chuyên gia kinh tế tham dự điều tra của WSJ rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi, trước đó, các nhà kinh tế khác dự báo GDP quý 1 ở mức 2,7%, thấp hơn mức 3,6% đưa ra hồi hai tháng trước.
Ở góc độ bi quan này, theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường địa ốc vẫn yếu, thời tiết khắc nghiệt, lòng tin suy giảm, động đất tại Nhật Bản và đặc biệt là việc giá dầu tăng do bất ổn tại Trung Đông.
Giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tháng 3 tăng mạnh nhất từ tháng 6/2009, do giá dầu thô và thực phẩm tăng mạnh nhất từ năm 1994. Chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu tăng 2,7%; cao hơn dự báo 2,4% của giới chuyên gia. Giá cả hàng hóa không tính giá nhiên liệu tăng 0,6%.
Trong một động thái khác, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong tháng 2 vừa qua, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ đều suy giảm mạnh so với tháng 1. Cụ thể, xuất khẩu đạt 165,1 tỷ USD, giảm 1,4%, trong khi nhập khẩu đạt 210,9 tỷ, giảm 1,7%.
Theo đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 2 đã giảm 2,6% xuống còn 45,8 tỷ USD, từ mức thâm hụt 47 tỷ USD trong tháng 1. Tính cả 2 tháng, thâm hụt thương mại của Mỹ là 556,4 tỷ USD.
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nước này cần nhanh chóng giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, do vấn nạn này đang gây bất ổn cho các thị trường tài chính.
Trong báo cáo về giám sát tài chính, IMF nhận định, các nền kinh tế phát triển cần theo dõi sát tình trạng nợ công, đặc biệt là Mỹ cần phải áp dụng các biện pháp để đáp ứng các cam kết tài chính.
Hiện thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã lên tới 14.000 tỷ USD và có khả năng lên tới 15.000 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại.
Trong một báo cáo khác về triển vọng kinh tế thế giới, IMF khẳng định, bất chấp những nguy cơ mới đe dọa tiến trình phục hồi sau khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục giành được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.
IMF dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,5% trong hai năm 2011 và 2012, trong đó tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển tăng lần lượt là 2,5% và 6,5%.
Các nền kinh tế đang phát triển đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp cao và hiểm hoạ quá nóng của nền kinh tế đang tăng lên ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Giá hàng hoá tăng cao, đặc biệt là những gián đoạn trong cung cấp dầu mỏ, đã tạo ra những thách thức chính sách mới, trong khi những thách thức cũ về nhu cầu cải tổ tài chính và tiền tệ, tái cân bằng nhu cầu toàn cầu vẫn cần thời gian để thực hiện.
Liên quan tới kinh tế Nhật Bản, theo hãng tin Bloomberg, nhu cầu về khí đốt của xứ sở hoa anh đào tăng tới 59% sau động đất, nhu cầu về dầu thô tăng gấp 3 lần.
Số liệu của Bloomberg cho thấy, có ít nhất 84 tàu, dự kiến mang 6,2 triệu tấn nhiên liệu từ Trung Đông, châu Á và châu Âu được đặt hàng sang Nhật Bản.
Nhật Bản là nước tiêu thụ dầu và xuất khẩu xăng lớn thứ 3 thế giới. Thảm họa vừa qua đã khiến nước này đang phải đối mặt với một nhu cầu lớn hơn về các sản phẩm đã được tinh chế do phải bù đắp cho sự sụt giảm nguồn năng lượng điện hạt nhân.
Giới phân tích dự báo, Nhật Bản sẽ cần khoảng 250.000 thùng dầu nhiên liệu, hoặc 22.000 tấn khí thiên nhiên hoá lỏng/ ngày để bù đắp 8.600 MW công suất phát điện bị mất.
Hôm qua, Nhật Bản cho biết cuộc khủng hoảng tại nhà máy hạt nhân Fukushima có mức độ nguy hiểm tương tự như thảm họa Chernobyl năm 1986 dù lượng phóng xạ rò rỉ có phần thấp hơn.
Ông Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng tại Avalon Partners nhận định: “Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm hơn trong ngắn hạn, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu”.