Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/9 tuyên bố nền kinh tế nước này đã phục hồi bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây và đang chuyển sang giai đoạn phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp với chính phủ về dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2024 - 2026, Tổng thống Putin thông báo, một số chỉ số kinh tế quan trọng đang tích cực hơn nhiều so với dự kiến trước đó.
“Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Nga đã hoàn thành. Chúng ta đã phải chống đỡ với áp lực mạnh chưa từng có từ các nước phương Tây, nhưng GDP của Nga đã trở lại mức của năm 2021, và bây giờ điều quan trọng là phải tạo điều kiện để phát triển ổn định, lâu dài hơn nữa" - Tass dẫn phát biểu của Tổng thống Putin tại cuộc họp.
Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh thêm, bất chấp dự báo tiêu cực, GDP của Nga có thể tăng 2,8% vào cuối năm nay: "Vào tháng 4, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến là 1,2%, nhưng trên thực tế mức tăng GDP có thể đạt 2,5%, thậm chí 2,8% vào cuối năm 2023".
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng thừa nhận một số vấn đề, đặc biệt là lạm phát tăng tốc. Nhưng ông bày tỏ sự tin tưởng vấn đề này sẽ được giải quyết bằng các quyết định chuyên nghiệp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.
Đồng thời, ông Putin đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các biện pháp giữ ổn định đồng nội tệ. Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Cần phải hiểu rõ nguyên nhân và có biện pháp kịp thời. Tôi tin tưởng Chính phủ và Ngân hàng Trung ương sẽ làm việc một cách chuyên nghiệp".
Một tháng trước, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga đã lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới và vượt Đức về sức mua tương đương.
Hồi đầu tháng này, các nhà phân tích của ngân hàng Barclays có trụ sở tại Anh dự đoán, GDP của Nga có thể tăng 1,7% trong năm nay. Theo báo cáo của Barclays, việc hỗ trợ tích cực về chính sách đang giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Các nhà phân tích của Barclays lý giải, các gói kích thích tài chính và tăng trưởng cho vay đang tạo ra “sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến, chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh”.
WB và IMF gần đây đều nâng dự báo về nền kinh tế Nga, cho rằng GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng dù đang chịu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt, nhờ hoạt động thương mại và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ cũng như doanh thu từ năng lượng cao hơn dự kiến.
Phương Tây tiếp tục siết cấm vận Nga
Tờ Bloomberg ngày 19/9 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng thảo luận về gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga và có thể thông qua các biện pháp cấm vận mới vào tháng 10 tới.
Theo Bloomberg, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới chống Nga nhiều khả năng sẽ được công bố trong nửa đầu tháng 10, hoặc tại hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ dự kiến diễn ra trong tháng tới.
Liên minh châu Âu đã thông qua nhiều gói trừng phạt kinh tế và cá nhân chống lại Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine. Trong số đó có những hạn chế đối với các doanh nhân, nhà báo và công ty Nga.
Đến nay, EU đã thông qua 11 gói trừng phạt chống Nga. Gói trừng phạt gần đây nhất được EU thông qua vào ngày 21/6, bao gồm các biện pháp chống lách các hạn chế, cũng như danh sách các biện pháp trừng phạt cá nhân mở rộng.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ Bỉ hôm 15/9 tiết lộ, lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga mà Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã xem xét trong hơn một năm qua dự kiến sẽ được thông qua trong hai đến ba tuần tới.
Quan chức này lưu ý rằng quy định nói trên sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, áp đặt lệnh cấm trực tiếp đối với việc mua hàng, cùng với lệnh cấm vận gián tiếp sẽ được thực hiện dần dần.
Lệnh cấm nhập khẩu kim cương Nga đã được các quốc gia G7 cân nhắc trong nhiều tháng. Hồi tháng 5/2023, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh quyết tâm này một lần nữa khi đưa ra cam kết hạn chế buôn bán kim cương được khai thác, xử lý hoặc sản xuất ở Nga nhằm nỗ lực cắt giảm thêm doanh thu của Moscow. Nhóm này cũng đồng thời tuyên bố sẽ hạn chế hoạt động buôn bán kim cương trị giá 4,5 tỷ USD của Nga bằng cách sử dụng các phương pháp truy vết công nghệ cao.
Mỹ và Anh hiện đã cấm nhập khẩu kim cương thô của Nga. Tuy nhiên, Washington vẫn cho phép nhập khẩu đá quý được khai thác ở Nga nếu chúng đã bị thay đổi đáng kể ở các nước khác. Canada và New Zealand cũng áp dụng các biện pháp tương tự nhằm chống lại công ty khai thác đá quý khổng lồ Alrosa của Nga.
Tuy nhiên, biện pháp cấm vận trên gặp phải sự phản đối từ các nhà nhập khẩu đá quý lớn như Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Antwerp. Khoảng 85% kim cương thô của thế giới đi qua Antwerp trên đường đến tay người tiêu dùng.
Trên thực tế, Nga cũng đã thực hiện bước đi này khi chuyển hoạt động buôn bán kim cương của mình sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Armenia và Belarus. Trong khoảng thời gian gần đây, những thị trường này đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về kim cương thô và kim cương cắt từ Nga.
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, phương Tây đã áp loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều lĩnh vực của Moscow. Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 4 nói rằng loạt lệnh trừng phạt mạnh hơn dự đoán nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững.