70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế tập thể ngày càng đóng vai trò quan trọng, nòng cốt là hợp tác xã

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số lượng hợp tác xã (HTX) tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.

Chiều 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
 Quang cảnh hội nghị
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 31/12/2018, cả nước có 101.405 tổ hợp tác, 22.861 HTX và 74 Liên hiệp HTX. Trong tổng số 22.861 HTX cả nước, có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng khoảng 59% so với năm 2003. Số lượng các HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57% trong tổng số HTX.
HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt.
Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng trên 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%, do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30%. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân, đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX phải đánh giá trên giá trị gia tăng của các hộ nông dân và giá trị sản phẩm của hộ nông dân tham gia, hiệu quả hoạt động của HTX vừa là hiệu quả của hộ gia đình, của kinh tế thành viên.
HTX có vai trò quan trọng tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; trở thành chỗ dựa, phát huy vai trò kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội cho thành viên.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tế, kinh tế tập thể, HTX phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Một số HTX còn thụ động, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Đóng góp vào GDP của khu vực này có xu hướng giảm sút, từ trung bình khoảng 6% trong năm 2003 đến gần 4% năm 2018. Khu vực kinh tế tập thể, HTX chưa phát triển đạt được mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết.
Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới là sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay, tiếp tục củng cố,  nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực kinh tế tập thể trong xã hội.
“Chính phủ thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các HTX, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, tham gia vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế tập thể ngày càng đóng vai trò quan trọng, với nòng cốt là HTX. Phải đưa HTX phát triển nhanh, khắc phục những yếu kém…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.