Reuters đưa tin, phát biểu trong chương trình "Face the Nation" trên kênh CBS News hôm 1/1, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva chia sẻ, trong năm 2023, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới sẽ đối mặt nhiều lực cản hơn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu - Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - đều bị suy yếu. "Tại sao? Bởi vì ba nền kinh tế chính - Mỹ, EU và Trung Quốc - cùng giảm tốc" - bà Georgieva nói.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, IMF hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023, phản ánh việc xung đột Nga - Ukraina vẫn tiếp diễn, cùng với đó là sức ép lạm phát và lãi suất cao do các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) triển khai.
Bà Georgieva chỉ ra, lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 có thể bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Bên cạnh đó, các ca nhiễm Covid-19 dự kiến bùng phát tại đây trong những tháng tới có thể tác động đến nền kinh tế tỷ dân trong năm nay, từ đó ảnh hưởng chung đến kinh tế thế giới. "Tuần trước, nơi tôi sống không có ca nhiễm Covid-19. Nhưng điều này sẽ không kéo dài khi mọi người bắt đầu đi du lịch," bà Georgieva cho biết sau chuyến công tác Trung Quốc cuối tháng 12/2022.
Người đứng đầu IMF lưu ý thêm: "Trong vài tháng tới, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn và tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tác động tiêu cực đến khu vực, tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu".
Trong dự báo vào tháng 10 năm ngoái, IMF đã dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đạt tốc độ 3,2% trong năm 2022, và sẽ tăng tốc lên mức 4,4% trong năm tới.
Tuy nhiên, những bình luận mới nhất của bà Georgieva phát tín hiệu rằng IMF sẽ phải hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như của Trung Quốc trong báo cáo dự kiến được công bố vào cuối tháng này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
Kinh tế Mỹ sẽ thoát suy thoái?
Giám đốc IMF cho rằng Mỹ có khả năng thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của cuộc suy thoái, một phần nhờ vào thị trường lao động mạnh mẽ của nước này.
Trong khi đó, bà Georgieva cho biết, một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023.
Theo bà Georgieva, Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái vì tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. "Nếu duy trì được sức chống chịu đó trong năm 2023, Mỹ sẽ giúp thế giới vượt qua một năm rất khó khăn. Nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi đáng kể" - đại diện IMF nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giữ ổn định ở mức 3,7% trong tháng 11/2022 và tạo ra thêm 263.000 việc làm mới, theo số liệu báo cáo việc làm hàng tháng công bố ngày 2/12. Các nhà kinh tế cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thay đổi và nước này sẽ có thêm 185.000 việc làm.
Tuy nhiên, bà Georgieva lưu ý rằng thực tế này cũng tiềm ẩn rủi ro vì nó có thể cản trở quá trình Fed cần đạt được trong việc đưa lạm phát của Mỹ trở lại mục tiêu.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần phải duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự báo nhằm đảm bảo kiềm chế được lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn cao gấp gần 3 lần mục tiêu 2% của Fed. Trong cuộc họp chính sách giữa tháng 12/2022, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ chưa sớm đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ mặc dù việc tăng lãi suất mạnh tay đang gây ra những rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách Fed kỳ vọng việc tăng lãi suất của họ sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,7%, lên 4,6% trong quý IV/2023 và duy trì ở mức này cho đến năm 2024.