Kinh tế Trung Quốc chấp nhận trả giá

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu mới đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tổng tài sản, tăng đáng kể giá trị tài sản ròng quốc gia kể từ khi gia nhập WTO gần 20 năm trước. Tuy nhiên, dự báo trước mắt lại có thể là sự ảm đạm chưa từng thấy của nền kinh tế châu Á này.

Động lực từ thương mại
Bloomberg trích dẫn báo cáo trong tháng này của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company cho thấy, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã tăng từ 7.000 tỷ USD lên 120.000 tỷ USD, chiếm 1/3 mức tăng toàn cầu, từ năm 2000 đến năm 2020. Trong khi đó, giá trị ròng của Mỹ chỉ tăng gấp đôi trong cùng kỳ, lên tổng cộng 90.000 tỷ USD vào năm 2020.
 Trước khu tài chính Lục Gia Chủy ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Phân tích mới từ McKinsey, có tên là “Sự phát triển và tăng lên của bảng cân đối kế toán toàn cầu”, đã tập trung vào việc tính tổng tài sản quốc gia bằng thước đo giá trị ròng của một quốc gia, thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia đó. Theo các phép đo tài sản truyền thống hơn, bao gồm cả GDP, Mỹ vẫn là quốc gia giàu nhất thế giới. Mỹ, với GDP ở mức hơn 21.000 tỷ USD, bỏ xa vị trí thứ 2 là Trung Quốc với GDP hơn 14.000 tỷ USD. Tính GDP trên đầu người, Mỹ (65.298 USD) tiếp tục đánh bại Trung Quốc (10.262 USD).

Tuy nhiên, báo cáo của McKinsey cho rằng GDP chỉ nói lên một phần câu chuyện, khi công ty này lập luận rằng trong 20 năm qua đã có một “sự khác biệt” đáng chú ý giữa giá trị ròng và GDP. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Giá trị ròng và GDP trong lịch sử biến chuyển đồng bộ ở cấp độ toàn cầu, nhưng kể từ năm 2000, tài sản tài chính và nợ phải trả bên ngoài khu vực tài chính tăng nhanh hơn nhiều so với GDP”. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Nikkei Asia tháng trước đưa tin, kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã tăng trưởng ngoại thương gấp 9 lần, vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Xuất khẩu của Bắc Kinh tăng 870% và nhập khẩu tăng 740% từ năm 2001 đến năm 2020 - theo báo cáo từ Hội nghị của Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển. Cũng theo báo cáo này, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc tăng vọt 810%, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình toàn cầu là 180%.

Tại cuộc rà soát của WTO hồi tháng trước ở Geneva, Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ các quốc gia công nghiệp phát triển khác về việc nước này đã được hưởng lợi đáng kể từ quy chế thương mại của mình ngay cả khi phải tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, từ đó vươn lên vị thế là một siêu cường kinh tế.

“Trung Quốc ngày càng kiểm soát các quy tắc và chuẩn mực thương mại toàn cầu bằng cách tham gia vào các hoạt động không phù hợp với các cam kết WTO của họ”, Chính phủ Australia cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn các hạn chế mới của Bắc Kinh đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia, bao gồm thịt bò, than đá và đường. Một quan chức hàng đầu của Mỹ tại cuộc rà soát cũng chỉ trích Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm đối xử ưu đãi đối với các DN nhà nước và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc đã phàn nàn về một cuộc chiến thuế quan do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chống lại các nhà xuất khẩu của họ. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, Trung Quốc “tiếp tục cam kết cải cách sâu rộng, mở rộng, mở cửa và phát triển nền kinh tế mở ở cấp độ cao hơn”.

“Cai nghiện” bất động sản

Báo cáo của McKinsey đáng chú ý, nhưng dường như lại nhanh chóng chìm trong những tin tức về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc - ở mức thấp tương đương năm 1990, được gọi là “mức giá” mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng trả để giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản. Dữ liệu chính thức cho thấy, khu vực bất động sản của Trung Quốc là dấu hỏi lớn nhất đối với nền kinh tế vì quy mô khổng lồ, với hơn 900 triệu mét vuông căn hộ được xây dựng mỗi năm.

Hoạt động xây dựng bất động sản đã thúc đẩy sự phục hồi kinh tế “chữ V” của Trung Quốc sau đại dịch, nhưng lĩnh vực này đã thu hẹp vào mùa Hè năm nay sau khi Bắc Kinh điều phối hoạt động cho vay thế chấp chậm lại khiến các nhà phát triển bất động sản như China Evergrande đến sát bờ vực phá sản. Trước cả khi xảy ra sự cố của China Evergrande, giới chức Trung Quốc đã cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa là mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế, và muốn quốc gia ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao hơn là nhà ở. Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nghiêm túc tuyên bố trong năm nay sẽ không sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích nền kinh tế, như những gì họ đã làm sau những đợt suy thoái trước đây.

Theo Bloomberg, mặc dù Chính phủ Bắc Kinh được cho vẫn nắm nhiều quyền kiểm soát đối với thị trường nhà ở, nhưng sự suy thoái có thể đến từ một số tác động mà chính quyền khó kiểm soát. Chẳng hạn, các hộ gia đình Trung Quốc có xu hướng tránh mua bất động sản khi giá đang giảm, điều này có thể dẫn đến doanh thu thấp hơn và giá giảm nhiều hơn. Xu hướng siết chặt các quy định đối với lĩnh vực bất động sản của Bắc Kinh được cho sẽ còn kéo dài trong năm tới và hơn thế nữa, khiến các ngân hàng như Goldman Sachs, Nomura Holdings và Barclays đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng vào năm 2022 của Trung Quốc xuống dưới 5%. Năm ngoái, đại dịch bùng phát đã đánh dấu mức tăng trưởng năm yếu nhất của nước này trong hơn 3 thập kỷ trở lại đây.

Đây sẽ là một sự sụt giảm lớn so với tỷ lệ trước đại dịch gần 7%. Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất - nhì thế giới hiện nay của Trung Quốc, điều này có nghĩa là nhu cầu hàng hóa xuất đi từ các quốc gia như Australia và Indonesia sẽ giảm, và chi tiêu chậm hơn của người tiêu dùng Trung Quốc - thị trường vô cùng quan trọng đối với các công ty đa quốc gia như Apple, Volkswagen… Rob Subbaraman - nhà kinh tế trưởng của Nomura - ước tính tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc xuống 4,3% trong năm tới từ 7,1% trong năm nay “có thể trực tiếp làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 %”. Ông nhận định, Bắc Kinh đang sẵn sàng “hy sinh một số tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn”.
Các ngân hàng Goldman Sachs, Nomura Holdings và Barclays đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng vào năm 2022 của Trung Quốc xuống dưới 5%.