Theo bà Madani, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhưng thực tế quá trình hội nhập có phần nào chậm lại. Các nước phát triển đang thay đổi tư duy, củng cố nền tảng, tăng tính tự lực, tự cường, từ đó thay đổi chuỗi cung ứng.
“Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy” - bà Madani khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.
“Chúng tôi khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời” - bà Madani cho biết.
Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các DN nhỏ.
Về phía các ngân hàng, vị chuyên gia WB nhấn mạnh giới ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, DN cũng cần được chú trọng.
“Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này” - bà Madani chia sẻ.
TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra, năm 2024 là một năm đầy khó khăn và thách thức, dù giữ vững được kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu.
Thứ nhất là nền kinh tế phân mảng: đầu tư nước ngoài, tư nhân và DN Nhà nước, nhưng không liên kết, không tạo thành nền kinh tế thống nhất.
Thứ 2, nền kinh tế mở, mức độ hội nhập của DN tư nhân trong nước thấp, không tận dụng được hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, cũng như chưa đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng và thịnh vượng quốc gia.
Thứ 3, thể chế kinh tế không còn phù hợp để huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả tạo sự bứt phá tăng trưởng. Ông Nguyễn Đình Cung dẫn chứng, Quốc hội liên tục phải ban hành thể chế đặc biệt cho địa phương và địa phương mong muốn điều này càng ngày càng nhiều, rồi các chính sách đặc thù thí điểm cho dự án quan trọng quốc gia. “Đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế Việt Nam” - ông Nguyễn Đình Cung nêu.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động được nguồn lực nội sinh của DN? Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong giai đoạn khủng hoảng, DN luôn phải ưu tiên tồn tại và vượt qua khó khăn thông qua tái cơ cấu, giảm chi phí.
Bên cạnh đó, xu thế mới về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn… trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu đòi hỏi các DN trong nước phải thay đổi.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải.
Phải đa dạng hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng KH-CN. Đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực nội sinh của DN, để DN thực sự có động lực đổi mới.
“Cái khó ló cái khôn”, nhiều DN chớp được cơ hội nhưng Nhà nước cần hỗ trợ để DN vượt khó thành công. Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tuân thủ.
Mặt khác, cần giúp DN giảm chi phí như giảm lãi suất, giảm phí, thuế, miễn phí miễn thuế giúp DN giảm chi phí, mặt khác tăng cầu tiêu dùng. Những giải pháp này đều đã và đang được thực hiện, nhưng vấn đề cần làm là phải triển khai nhất quán, mạnh mẽ, mức độ cao hơn để bù đắp được khó khăn cho DN.