Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam: Nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).

Các chuyên gia dự báo, quý II vẫn ở mức thấp và kịch bản tăng trưởng 6,5% năm 2023 như mục tiêu đề ra là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao.

Nhiều ngành sản xuất, địa phương tăng trưởng thấp

Trong quý I năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,32%, đây là một mức tăng rất thấp.

Mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I/2022 khi nền kinh tế vẫn đang chịu tác động bởi các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Qua đó cho thấy, điều kiện kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay đang rất khó khăn.

ản xuất thiết bị điện tử tại Công ty CP cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh Phạm Hùng
ản xuất thiết bị điện tử tại Công ty CP cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh Phạm Hùng

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023 khu vực công nghiệp suy giảm do cả ba ngành công nghiệp quan trọng là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện đều tăng trưởng âm với lần lượt là -5,6%, -0,37% và -0,32%.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm do ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên nhiều năm nay vẫn gặp khó khăn, khai thác dầu thô giảm 6%, khai thác khí đốt giảm 6,1%...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các DN trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2023, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan và địa phương cần thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng

Nhóm ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải khác cũng giảm sâu do nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm sút, chi phí đầu vào ở mức cao...

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của nhiều tỉnh, TP vốn là trung tâm công nghiệp, trung tâm xuất khẩu, đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và thị trường bất động sản sôi động như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đều rất thấp trong quý I/2023, thậm chí có một số địa phương còn suy giảm sâu.

Tình hình DN quý I cũng biến động bất thường. Số DN rút khỏi thị trường cao kỷ lục. Đầu tư tư nhân chất lượng thấp và đang giảm sút; đầu tư FDI lần đầu tiên giảm cả về số thực hiện và đăng ký mới; trong đó số đăng ký mới giảm gần 40%, là mức giảm sâu nhất kể từ 2011.

Các động lực tăng trưởng khác như xuất khẩu đang tiếp tục suy giảm. Cầu xuất khẩu giảm sút do tiến trình thắt chặt tiền tệ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU khi người dân những khu vực này cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu và khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới.

Đầu tư công, dịch vụ sẽ là trụ đỡ

Tăng trưởng kinh tế trong quý I đạt 3,32% là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011, chỉ cao hơn quý I/2020, là quý đầu tiên chịu tác động phong tỏa bởi Covid-19.

Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 dự báo vẫn ở mức thấp. Trong đó tình hình kinh tế thế giới cũng chưa được cải thiện.

Theo dự báo, năm 2024 tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển có phục hồi nhưng chưa bằng một nửa so với năm 2022; lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; các rủi ro gia tăng, nhất là thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu.

Trong nước, thị trường bất động sản và trái phiếu DN vẫn “đóng băng”, tín dụng tăng trưởng thấp...

“Trước tình hình cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục khó khăn và lợi nhuận của DN khó có thể cao được” - ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết - "Năm nay các DN xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và điều này đã có thể quan sát được từ quý IV năm ngoái.

"Do đó, kinh tế có sự tăng trưởng sẽ nhờ được bù đắp từ giải ngân đầu tư công. Năm 2023, ngân sách có ít nhất 31 tỷ USD dành cho đầu tư công và 90% trong số đó đã được giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương".

“Năm nay, nếu chi được 90% của 31 tỷ USD thì sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm” - vị chuyên gia nói.

Thêm vào đó, khu vực chế biến chế tạo gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng âm. Vì vậy, những động lực còn lại cần phải tập trung hơn, trong đó cần đưa ngành dịch vụ trở thành trụ đỡ cho những ngành khác" - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lĩnh vực dịch vụ dự kiến tăng 8% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi.

Chuyên gia của ADB cho rằng nếu như hoạt động dịch vụ và sức mua của thị trường nội địa vẫn tiếp tục đà phục hồi thì cũng sẽ là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế bên cạnh thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Mở rộng chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ

Tiêu dùng trong nước có hồi phục được hay không phụ thuộc rất lớn vào giải pháp hỗ trợ tài khóa của Chính phủ trong thời gian tới. Vì những năm qua thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, phần để dành cho chi tiêu cũng không còn nhiều, nên Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ họ trong chi tiêu cuộc sống.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thực tế là hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ DN, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.

Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Về chính sách tiền tệ, TS Nguyễn Đức Độ đánh giá, quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tăng trưởng GDP chậm và lạm phát trong tầm kiểm soát.

"Cần nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm lãi suất, giảm thuế... để các DN có thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất" - TS Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023 - 2024 của ADB cũng nhấn mạnh, một trong 3 đột phá để giúp GDP Việt Nam đạt 6,5% là Việt Nam chuyển hướng sang chính sách nới lỏng.

Sức ép lạm phát giảm dần, sức ép lên tỷ giá cũng giảm dần. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang nới lỏng, quyết định hạ lãi suất. Theo ADB, đây là biện pháp rất hợp lý và sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng rất mạnh.

 

Điểm cộng lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là sự ổn định kinh tế vĩ mô, với lạm phát tiếp tục trên xu hướng giảm và vẫn trong mục tiêu 4,5% cho năm nay. Mặt bằng lãi suất vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ DN. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Chi tiêu công và giảm thuế cần phải được đẩy mạnh để hỗ trợ cho nền kinh tế.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân