70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt thách thức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 1 năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào 24/2 năm ngoái, các biện pháp trừng phạt cấp tập mà phương Tây triển khai đối với Moscow đã khiến kinh tế thế giới không tránh khỏi những cú sốc...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tìm mọi cách để giảm tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Kinh tế phục hồi, lạm phát được kiểm soát
Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước Phương Tây đối với Nga; các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc... đã làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia...
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Dù kim ngạch xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ nhưng theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nga năm 2022, đạt 1,55 tỷ USD, giảm "sốc" kỷ lục 51,3% so với năm trước.

Vận chuyển container xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải phòng. Ảnh: An Đăng
Vận chuyển container xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải phòng. Ảnh: An Đăng
Trong một năm 2022 đầy biến động, lãi suất và tỷ giá đều tăng cao khi chịu tác động mạnh mẽ từ cả yếu tố bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế… NHNN đã tăng lãi suất VND 2 lần nhằm tăng giá trị tiền đồng để cân bằng thị trường ngoại hối, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn rất cao so với đầu năm.
NHNN cũng đã sử dụng công cụ dự trữ quốc gia, nhưng không thể bán mãi ngoại tệ nên nhà quản lý đã điều chỉnh tăng biên độ giao dịch từ 3 -5%. Theo đó, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại.
Với mức tăng trưởng ấn tượng 8,02% trong năm đầu tiên của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng được mở rộng, đạt hơn 9,51 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022. Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế năm 2022.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 7,8% so với năm trước, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Đáng lưu ý, hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 20% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khá đem lại mức thặng dư thương mại 11,2 tỷ USD cho nền kinh tế.
Với thị trường Nga, năm 2022 cho thấy đã có tín hiệu hồi phục, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu…
Trong khó khăn chung về thị trường, áp lực chi phí đầu ra và khó khăn chưa từng có về tình hình tài chính, cộng đồng DN vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư, thể hiện ở số lượng DN đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động tăng kỷ lục. Đây cũng là năm ghi nhận có mức tăng trưởng cao về vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội bất chấp những khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Phó Viện trưởng VEPR -TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Trước những bối cảnh bất ổn trong và ngoài nước, Chính phủ đã phải thận trọng “dò đá qua sông” và cân đối để đưa ra những giải pháp quyết liệt, phù hợp. Tôi đánh giá, Chính phủ và NHNN đã có những điều hành khá linh hoạt và hiệu quả trong việc ổn định tỷ giá cũng như ổn định về thị trường tài chính. Chính phủ đã làm tốt về mặt ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với việc nỗ lực thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đa dạng hóa thị trường Việt Nam tiếp tục duy trì hình ảnh của một đất nước không ngừng cải cách và hội nhập.
Tiếp tục thúc đẩy chương trình phục hồi phát triển kinh tế
Bước sang năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng bình quân ba năm (2020 - 2022) chỉ đạt từ 4,28% đến 4,45%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của 5 năm trước đó.
Một năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cuộc chiến vẫn đang bước vào giai đoạn gay cấn. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài. Kinh tế thế giới năm 2023 được hầu hết các Tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia.
Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga -Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác nhau trong đó có xung đột giữa Nga và Ukraine, do đó giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các lệnh trừng phạt giữa các nước và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản tiếp tục kéo dài, thậm chí trầm trọng hơn. Trong khi thách thức đối với điều hành tỷ giá USD/ VND trước sức ép đồng USD tăng giá và việc thắt chặt điều kiện tài chính tại Mỹ có thể làm tăng áp lực “nhập khẩu” lạm phát đối với Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn, thách thức từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023, bao gồm những bất ổn của thị trường tài chính, thị trường bất động sản, tình trạng khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN.
Để vượt qua những thách thức, giữ đà tăng trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, cần phải có sự phối hợp giữa bàn tay quản lý của Nhà nước cũng như sự tự chủ, chủ động vượt qua khó khăn của DN. Về phía DN nên chủ động tham gia cùng với cộng đồng các cơ quan tư vấn, cơ quan nghiên cứu chính sách để kịp thời có tiếng nói để các chính sách hài hòa với thị trường, phù hợp quy luật thị trường.
 

Khi khủng hoảng xảy ra, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt. Vấn đề là ta phải làm thế nào để có đủ khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn. Ổn định chính trị xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh chính là lợi thế có thể giúp tăng cường, để Việt Nam trở thành cứ điểm cung ứng nguồn cho chuỗi cung ứng toàn cầu... 

 Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - TS Vũ Tiến Lộc

 


Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng, các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục đóng một vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các DN đang tìm cách phục hồi. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đến việc thúc đẩy thực thi tốt, tạo môi trường thuận lợi và tăng cường cung cấp thông tin, tiếp tục cải cách chính sách và thể chế để giúp các DN tận dụng tối đa các hiệp định đó”- Viện trưởng CIEM kiến nghị.