KTS Marco Casamonti: "Cầu Hôn là một công trình mang tính thử thách"

Thảo Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cây Cầu Hôn (Kiss Bridge) ở Phú Quốc đã làm nên một “hiện tượng lạ”: phủ sóng trên đài truyền hình quốc gia Ý, báo chí Ý và khắp các báo chí, trang mạng, cộng đồng du lịch Việt Nam dù… chưa ra đời.

Cầu Hôn được xây dựng tại thị trấn Hoàng hôn do Sun Group kiến tạo
Cầu Hôn được xây dựng tại thị trấn Hoàng hôn do Sun Group kiến tạo

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng GS. KTS Marco Casamonti – “cha đẻ” của Cầu Hôn về công trình được truyền thông Ý đánh giá là “nơi hội ngộ giữa văn hóa Ý và văn hóa Việt Nam”, hứa hẹn trở thành biểu tượng du lịch mới của Việt Nam.

- Theo ông, điều gì có thể đại diện cho kiến trúc của Việt Nam?

Việt Nam là một đất nước rất tuyệt vời, một đất nước rất thân thiện và cởi mở, đón nhận tất cả các nền văn hóa. Đó là một trong những nguồn tài nguyên vô giá.

Nếu được nói về diện mạo của kiến trúc Việt Nam, tôi nghĩ cần phải nói xa hơn về nét đẹp của đất nước các bạn, nó được gom lại trong hai từ “hài hòa”. Sự hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, đón nhận những nền văn hóa khác bằng một tinh thần cởi mở, tôn trọng.

Với tôi, Việt Nam là một đất nước đương đại nhất trong những quốc gia tôi từng đến cho tới thời điểm hiện tại. Và thêm một điều nữa, không hẳn đến từ diện mạo của nền kiến trúc mà nét đẹp, nguồn năng lượng của đất nước này còn đến từ chính sự tử tế của con người nơi đây.

- Cầu Hôn (Kiss Bridge) tại Phú Quốc có phải là một biểu hiện của sự kết hợp đa văn hóa ấy không, thưa ông?

Tôi xem Cầu Hôn là một thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới. Mọi cây cầu đều có công năng chung là kết nối. Cầu Hôn cũng có công năng đó, nhưng không kết nối một cách vật chất mà kết nối bằng tinh thần- một sự kết nối, một sự hòa nhập nhưng vẫn tôn trọng bản sắc.

Với triết lý đó, Cầu Hôn còn mang một thông điệp của tình hữu nghị, một thông điệp về tình yêu và thông điệp về hòa bình. Một nơi mọi người đến vẫn có thể đứng ở vị trí của mình, nhưng vẫn có thể cùng bắt tay nhau.

Phối cảnh Cầu Hôn - Phú Quốc
Phối cảnh Cầu Hôn - Phú Quốc

- Bản sắc của Việt Nam được thể hiện trong thiết kế Cầu Hôn như thế nào, thưa ông?

Bản sắc văn hóa Việt Nam truyền tải qua cây cầu này không đến từ những chi tiết, thiết kế mà ở thông điệp. Được xem như linh hồn và nguồn cảm hứng để tạo nên cây cầu, từ câu chuyện ông Ngâu – bà Ngâu. Không phải rõ ràng đây là ông Ngâu, bà Ngâu, mà thông điệp của cây cầu nói về những điều không thể thành có thể.

Tình yêu giữa một thần tiên và một người phàm, đó là câu chuyện không thể nhưng họ biến nó thành có thể. Giữa hai tầng lớp khác nhau vẫn có thể vượt qua rào cản giai cấp và yêu thương nhau. Đó là linh hồn, đó là bản sắc của Việt Nam.

Tôi nghĩ có những công trình khi nhìn vào đó, mọi người có thể thấy rõ ngay nét văn hóa, bản sắc được truyền tải qua những chi tiết thiết kế. Chẳng hạn khi nghĩ về nước Mỹ, tôi nghĩ đến các công trình tòa nhà trọc trời, Pháp nghĩ ngay đến tháp Eiffel, Ý nghĩ ngay đến Tòa thánh Vantican.
Và tôi mong có một ngày nghĩ về Việt Nam, hình ảnh hiện ra trong trí óc mọi người sẽ là cây Cầu Hôn. Họ nghĩ về Cầu Hôn giống như một biểu tượng của hữu nghị, tình yêu và hòa bình.

Cho nên, công trình này xin phép không gọi đơn giản là một cây cầu, mà giống như một tác phẩm nghệ thuật, qua đó truyền tải một thông điệp. Bởi vậy, nó vượt qua ngoài một công trình kiến trúc để trở thành một công trình nghệ thuật.

- Có khó khăn nào trong việc thiết kế cây cầu này không, thưa ông?

Điều khó khăn nhất khi thiết kế và xây dựng Cầu Hôn đó là công nghệ. Vì điểm đặc biệt của cây cầu này, mọi đường nét cho cảm giác rất nhẹ, mỏng, giống như một sợi lông vũ. Nhưng đồng thời nó cũng đủ chắc chắn để chịu được tác động của sóng gió.

Để giải quyết vấn đề đó, cây cầu được chế tạo bằng sắt tạo cảm giác phần kết cấu rất mỏng nhẹ. Nhưng đồng thời có hệ thống trụ, cứ 50m sẽ có một trụ vin vào lòng biển. Đó là một trong những điều khó khăn nhất, đòi hỏi công nghệ và biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, công phu.

Với tôi, đây là một công trình mang tính thử thách.

- Tôi được biết ông cũng sẽ thiết kế một công trình đặc biệt tại Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng?

Một trong những nét đẹp của Bà Nà là khả năng tạo bất ngờ cho mọi người. Với tôi, đơn giản như việc đến một đỉnh núi cao như vậy mà không cần phải đi đường, đó đã là một điều bất ngờ (cười). Cá nhân tôi nghĩ rằng, người làm được việc đó là người có tầm nhìn. Việc tạo một hệ thống cáp treo như vậy vừa đảm bảo được cảnh quan xung quanh và tạo được tính bền vững. Hệ thống cáp treo đã góp phần gìn giữ nét thiên nhiên hoang sơ của vùng đất này.

Với dự án Bảo tàng Bà Nà tôi sẽ cùng Sun Group triển khai hai cách tiếp cận. Thứ nhất, phần mặt hồ là một phần của thiên nhiên. Thứ hai, hồ sẽ có một cây cầu tròn như chiếc nhẫn. Qua cây cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng không gian thiên nhiên xung quanh.

- Ông có nghĩ là công trình này sẽ giúp du lịch Bà Nà nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung khởi sắc mạnh mẽ?

Vâng, tôi tự tin là có. Tầm nhìn của tôi là mong có thể tạo nên một điểm đến trên núi, mà ở đó có tất cả mọi thứ, nhưng khi du khách đến đây thì lại giống như đi lạc vào giữa thiên nhiên.

- Ông thích thử thách, vậy thì ông đã chọn những dự án này hay khách hàng chọn ông?

(Cười) Thực ra thường thì khách hàng lựa chọn tư vấn, chứ không có chiều ngược lại. Nhưng mà phải là một khách hàng có tầm nhìn thì mới chọn chúng tôi. Bởi vì nếu như một khách hàng họ chỉ muốn kinh doanh, họ không có những ước mơ hoài bão thì chưa chắc họ sẽ chọn chúng tôi.

Cám ơn ông về buổi trò chuyện!

 

GS. KTS Marco Casamonti

KTS Marco Casamonti: "Cầu Hôn là một công trình mang tính thử thách" - Ảnh 1

- 1988, đồng sáng lập Studio Archea – tiền thân của Archea Associati. Công ty kiến trúc và thiết kế với hơn 200 kiến trúc sư làm việc tại các văn phòng ở Florence, Rome, Milan và Genoa, Bắc Kinh, Dubai và San Paolo.

- 2001, Giáo sư môn Thiết kế Kiến trúc và Đô thị tại Khoa Kiến trúc của Đại học Genoa. Thỉnh giảng và nhà phê bình ở các trường đại học quan trọng như Barcelona, Graz, Mendrisio, Zurich, São Paulo, Bắc Kinh, Vancouver.

- 2020, Giải thưởng Kiến trúc BigSEE 2020 cho Sân vận động Quốc gia của Albania ở Tirana.

- 2020, Bộ Ngoại giao - Hợp tác quốc tế và Bộ Văn Hóa Ý chọn là Đại sứ thiết kế Ý tại Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần