Đất lấn sông nhưng được... cấp sổ đỏ
Quá trình làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện chính quyền xã Đông La và Vân Côn thừa nhận có tình trạng công trình, nhà xưởng, nhà ở nằm trên hành lang thoát lũ sông Đáy. Đó là “đất ông cha”, “đất được giao”, thậm chí là đất đã được… cấp sổ đỏ. Trả lời về khu nhà xưởng nằm sát bờ sông Đáy, thuộc đường Bờ sông mới, thuộc địa phận xóm 4, thôn Đồng Nhân, Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Duy Tập thừa nhận, tất cả đều chưa được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, vị này lại cho rằng, những nhà xưởng này “không cần phải cấp phép” bởi đây là “đất ở dân cư”. Khi PV thắc mắc, tại sao cả một khu nhà xưởng lớn như vậy mà không cần cấp phép thì ông Tập giải thích rằng, đây là “tồn tại từ trước”.
Theo vị chủ tịch xã Đông La, khoảng 4 - 5 năm về trước, khu nhà xưởng này cũng từng bị báo chí phản ánh. Từ đó đến nay, địa phương này vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra phương án xử lý. Và, cách họ lựa chọn là… tăng cường vận động người dân chấp hành trong việc PCCC, đồng thời yêu cầu người dân trong diện tìm điểm công nghiệp để di chuyển dần. Đây có lẽ là lý do mà suốt nhiều năm qua, khu nhà xưởng nằm trên hành lang thoát lũ sông Đáy vẫn tồn tại và tiếp tục bức tử dòng sông.
Càng bất ngờ hơn, ông Tập tiết lộ, toàn bộ khu nhà xưởng này đều có nguồn gốc là đất ở, đất cha ông để lại, trong đó nhiều hộ đã được cấp sổ đỏ. Số còn lại dù chưa được cấp sổ nhưng cũng là “đất cha ông”. Vậy nên dù những nhà xưởng này nằm trong hành lang thoát lũ của sông Đáy nhưng cũng đành chịu.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Quyết – cán bộ địa chính xã Vân Côn cho biết, tại địa phương này, tình trạng nhà dân được xây dựng sát bờ sông Đáy rất nhiều chứ không phải chỉ có vài trường hợp cá biệt. “Anh đi xa vào trong làng nữa, đất ở được cấp sổ đỏ ngay bên bờ sông” – ông Quyết cho hay và lý giải rằng, ngày xưa Vân Côn được mệnh danh là “Xi-be-ri-a” của Hoài Đức vì xa xôi và đường xá khó khăn. Đất của người dân cũng xen kẹt, chia cắt nhiều. Nhiều hộ dân được cấp đất, xây nhà ngay sát bờ sông Đáy. Đặc biệt, ông Quyết khẳng định, khu đất được hình thành từ bãi thải khổng lồ lấp nửa dòng chảy sông Đáy mà phóng viên Kinh tế & Đô thị phản ánh cũng đã được cấp sổ.
“Đất được giao mà. Đất được giao thì phải cấp sổ chứ” – ông Quyết khẳng định. Khi phóng viên thắc mắc, tại sao hành vi lấn chiếm xuống tận dưới lòng sông Đáy mà cũng được cấp sổ thì vị này giải thích rằng, hành vi lấp sông của hộ dân này đã được thực hiện từ rất lâu, ban đầu do… cây cối che khuất nên không phát hiện ra. Chỉ đến khi cây cối được phát quang và khu đất đem cho thuê thì mới bị phát hiện.
Cứ để sông Đáy tự hoàn thổ
Liên quan đến lán trại với dòng chữ “Ban chỉ huy công trường” mọc lên trên khu đất hình thành từ bãi thải lấp nửa dòng chảy sông Đáy, ông Quyết cho biết, lán trại là do đơn vị thi công dự án đường giao thông thuê lại dựng lên. “Chúng tôi đã làm việc với người ta (đơn vị thi công dự án – PV). Họ có cam kết làm một lều lán 25m để trông vật liệu ở đấy. Mặt bằng sẽ đổ tấm đan để phục vụ dự án, xong dự án họ sẽ dọn đi” – ông Quyết nói và cung cấp cho phóng viên một văn bản của Công ty TNHH Tuấn Hiền gửi UBND xã Vân Côn với nội dung “làm lán trại tạm bằng tôn tại vị trí khu đất thuê của hộ gia đình ông Nguyễn Kim Duy tại thôn Cát Thuế, xã Vân Côn”.
Kể cả là đất ở, đất cha ông để lại thì cũng chỉ được phép xây nhà ở chứ không được xây nhà xưởng. Nhưng nhu cầu của người dân mà, khi chưa có nhu cầu xây nhà, người ta muốn tạo nguồn thu. Trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn là tuyên truyền, vận động người dân để không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là công tác PCCC.
Chủ tịch UBND xã Đông La Kiều Duy Tập
Trong văn bản trên, Công ty TNHH Tuấn Hiền cho biết, thuê đất của gia đình ông Duy làm khu điều hành Ban Chỉ huy công trình dự án nâng cấp cải tạo đường giao thông thôn Quyết Tiến, thôn Cát Thuế (xã Vân Côn) cùng cam kết sẽ tháo dỡ, di dời toàn bộ khu lán trại và hoàn trả mặt bằng hiện trạng ban đầu của khu đất ngay khi dự án hoàn thành.
Ông Đỗ Văn Quyết thừa nhận có tình trạng đổ chất thải xuống lòng sông Đáy như phóng viên Kinh tế & Đô thị phản ánh. Thậm chí, khi chúng tôi cho xem hình ảnh ghi lại những điểm đổ chất thải xuống lòng sông, đoạn từ cầu 72II đến cầu sông Đáy, ông Quyết thở dài: “Cứ kiểu có phế thải là mang ra sông đổ cho nhanh”. Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng xử lý của chính quyền địa phương đối với những trường hợp đổ thải lấn sông Đáy trái phép, ông Quyết tỏ ra bối rối.
Theo vị cán bộ địa chính này, chính quyền xã Vân Côn đã từng nhiều lần tổ chức múc chất thải lên nhưng cách làm này chỉ như "ném đá ao bèo" bởi địa phương không có kinh phí để thực hiện và có thực hiện múc chất thải lên được thì cũng không biết đổ đi đâu. “Bên hạt quản lý đê điều cũng đã có ý kiến, xã cũng triển khai phải múc mấy lần. Lúc múc cũng làm gì có tiền mà gọi mấy hộ kinh doanh vật liệu ở làng, mỗi hộ công đức 1 - 2 ngày. Múc để khơi dòng sông lên không có nhìn nó chối.” – ông Quyết nói.
Thậm chí, vị cán bộ địa chính xã Vân Côn còn nghĩ tới một giải pháp vô cùng bất ngờ là “nhờ”… chính sông Đáy giải phóng các bãi thải đang lấp dòng chảy để tự “hoàn thổ” cho mình. “Tầm tháng 7, tháng 8 anh quay lại đây thì chẳng cần phải hót đâu, nó tự trôi đi” – ông Quyết chia sẻ rất vô tư. Trước câu trả lởi bất ngờ của ông Quyết, phóng viên hỏi rằng khi chất thải chảy xuống hạ du thì hậu quả sẽ như thế nào? Vị cán bộ địa chính xã Vân Côn vội chữa cháy, rằng sẽ mời chủ nhà lên và yêu cầu múc đi, đồng thời không quên nhấn mạnh, việc đổ chất thải như thế là lấp mất dòng sông, khi mùa mưa đến lấy đâu ra chỗ thoát nước cho đầu nguồn.
Ngay khi nhận được phản ánh của phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường đã giao các cơ quan liên quan kiểm tra và trả lời báo trong thời gian sớm nhất. Về phía xã Đông La, ông Kiều Duy Tập cho biết, đã yêu cầu công an xã cùng các cơ quan liên quan tăng cường tuần tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Còn tại xã Vân Côn, Bí thư Đảng ủy xã Mầu Văn Luân cho hay, chính quyền xã cũng đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức cưỡng chế hơn chục hộ vi phạm tại thôn Quyết Tiến. Dự kiến việc cưỡng chế sẽ được thực hiện vào ngày 11 - 12/4.