Tuy nhiên, trong đó có không ít trường hợp dù không học tiếng Hàn vẫn đăng ký thi do bị "cò mồi" dụ dỗ, lừa đảo sẽ giúp thi hộ.
Đây là kỳ thi có tỷ lệ chọi ngang với kỳ thi đại học (gần 67.000 người đủ điều kiện dự thi trong khi chỉ tiêu chỉ là 15.000), Ban tổ chức phải chuẩn bị rất nhiều để hạn chế gian lận trong thi cử và đảm bảo an ninh, trật tự khu vực diễn ra kỳ thi. Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Trưởng Ban tổ chức kỳ thi cho biết: Việc sử dụng cổng từ và các thiết bị dò kim loại là biện pháp rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận của thí sinh trong việc kiểm tra tiếng Hàn, qua đó ngăn chặn các hoạt động của các đối tượng môi giới, cò mồi, lợi dụng lừa đảo, thu tiền bất hợp pháp của người lao động.
Cũng tại kỳ thi này, Ban tổ chức đã bố trí cho người lao động Nghệ An và Thái Bình tham dự kiểm tra tại Hà Nội, nhằm cách ly khỏi địa bàn hoạt động của các đối tượng môi giới, cò mồi.
Tuy nhiên, qua 2 ngày thi, đã có 4.000 lao động bỏ thi và 1.743 trường hợp thí sinh cố tình mang điện thoại di động vào khu vực thi qua cổng kiểm soát từ và 235 thí sinh vi phạm quy chế kiểm tra.
Phía Hàn Quốc đánh giá cao các biện pháp quyết liệt của Việt Nam, thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm đảm bảo cho kỳ kiểm tra tiếng Hàn thực sự nghiêm túc, công bằng và minh bạch. Tại cuộc họp báo, ông Jung Jin Young, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam cho biết, Hàn Quốc đang tổ chức kiểm tra tiếng Hàn tại 15 nước trên thế giới và con số dự thi năm nay của Việt Nam đạt kỷ lục (hơn 66.000).
Để phục vụ cho kỳ thi, phía Hàn Quốc đã huy động hàng trăm cán bộ người Hàn Quốc tổ chức, giám sát thi, trong đó có 50 cán bộ từ Hàn Quốc, số còn lại phía là cán bộ, tình nguyện viên người Hàn Quốc đang làm việc, du học tại Việt Nam. Ban tổ chức cho biết, đề thi được in, photocopy từ Hàn Quốc theo số lượng danh sách lao động đăng ký mà Việt Nam đã gửi sang. Khi sang đến Việt Nam, đề được niêm phong, quản lý tại Đại sứ quán Hàn Quốc và chỉ được đưa về điểm thi trước thời gian thi rất ngắn. Nhiều cán bộ Hàn Quốc coi thi tại Việt Nam cho biết, họ được mời tham gia ra đề thi, nhưng bản thân họ cũng không biết đề của mình có được sử dụng hay không. Với sự quản lý nghiêm ngặt, khép kín như vậy nên không thể có bất cứ sơ suất nào để "biết được đề thi" hay "lọt đề ra ngoài" như nhiều "cò" vẫn lừa lao động.
Ngày 28/12, Ban tổ chức công bố kết quả thi, đồng thời thông báo về cuộc thi tay nghề. Chứng chỉ nghề sẽ được bổ sung vào hồ sơ xin việc là căn cứ để người sử dụng ưu tiên lựa chọn.