Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Cùng trải nghiệm cảm xúc

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một cô bé được bạn trai viết thư tỏ tình, rất háo hức kể với mẹ với hy vọng nhận được nụ cười sẻ chia của mẹ. Nhưng phản ứng của người mẹ là sự tức giận, tra vấn, chụp mũ cho cô bé về việc không lo học hành, chỉ chơi bời, yêu đương nhăng nhít.

Trước sự phản ứng theo chiều hướng tiêu cực của người mẹ, cô bé cảm thấy rất buồn, vì với cô, lá thư ấy chỉ là một kỷ niệm tuổi học trò, không phải là “bằng chứng” cho việc cô đã thích yêu đương như lời mẹ nói. Cô bé nghĩ mẹ không hiểu gì mình, thấy mình khó có thể tìm kiếm sự sẻ chia từ mẹ. Từ đó trở đi cô bé khép kín mọi cảm xúc, không chia sẻ bất cứ điều gì. Còn người mẹ cũng không coi đó là một cách phản ứng của con với thái độ của mình, mà cho rằng con không ngoan.
 Ảnh minh họa.
Câu chuyện ấy không phải cá biệt về cách ứng xử giữa bố mẹ và con cái hiện nay, đặc biệt khi con chưa vượt qua tuổi trẻ con, nhưng cũng chớm tuổi dậy thì. Từ một kết quả khảo sát với câu hỏi “Hiện nay điều gì làm em buồn nhất”, kết quả đáng báo động có tới 74% trẻ trả lời “Điều buồn nhất là bố mẹ không hiểu em”. Đấy là một con số làm người lớn phải suy nghĩ. Bởi mỗi khi có những chuyện vui buồn xảy đến với trẻ, nếu có được những lời khuyên kịp thời từ bố mẹ, trẻ sẽ đón nhận cuộc sống một cách bình an nhất, tránh cho trẻ rơi vào những cảm xúc rất tiêu cực như buồn bã, chán nản và… cô đơn. Do đó, khi trẻ tìm đến người lớn để chia sẻ những chuyện diễn ra ở trường, ở lớp, những khúc mắc nảy sinh trong mối quan hệ bạn bè, hay đơn thuần như cô bé trong câu chuyện trên “khoe với mẹ bức thư của một bạn trai”, người lớn cũng đừng vội gạt đi hoặc hiểu câu chuyện theo chiều hướng xấu, mà nên nhìn thấy mặt tích cực của cảm xúc ở trẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, ngay cả việc trẻ có những rung động đầu đời, bố mẹ cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề, bởi ranh giới giữa tình bạn và tình yêu khác phái tạo ra những xúc cảm mới lạ, hấp dẫn và trong mắt các em, những rung động ấy mang sắc màu lung linh, kỳ diệu. Thay vì quyết liệt ngăn cấm một cách tiêu cực, nên đồng hành cảm xúc với trẻ, thường xuyên tôn trọng, lắng nghe, góp ý cho trẻ để giúp con biến những rung động ấy thành động lực sống tốt hơn. Nói khác đi, nhiệm vụ của người lớn không phải là triệt tiêu các cảm xúc ấy, mà hướng dẫn để làm sao trẻ phát huy mặt tốt đẹp và cung cấp những thông tin để con có kiến thức đề phòng mặt tiêu cực.

Và điều quan trọng nhất là phụ huynh phải trở thành người bạn của con mình, là nơi để con gửi gắm các tâm sự, chia sẻ cảm xúc, để từ đó nhận lại sự định hướng đúng. Nếu khi trẻ mới “mở lời”, người lớn đã đáp lại bằng câu trả lời “không” một cách lạnh lùng. Tâm hồn trẻ sẽ khép chặt và khó có cơ hội trải nghiệm cách sống đúng.