[Kỹ năng sống] Đừng giao việc dạy con cho người giúp việc

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, sau khi được tôi đón về con tôi đã có những thắc mắc khiến tôi ngỡ ngàng: “Mẹ ơi, sao con không có tài xế đến trường đón? Bạn con ai cũng có tài xế đưa đón mỗi ngày”.

Để con không cảm thấy “thua thiệt” vì chuyện không có tài xế, tôi giải thích rằng thật sự con mới là người may mắn vì được chính tay bố mẹ sắp xếp đưa đón hàng ngày, cho đến khi con tự lập và có thể tự mình đến trường. Tôi không muốn bỏ lỡ giây phút hay giai đoạn nào trong quá trình trưởng thành của con mình. Sau khi nghe tôi giải thích, con tôi đã cám ơn và thấy vui vì chúng tôi đã chọn con thay vì chọn công việc.
 Ảnh minh họa.
Tôi không nghĩ chuyện mình đưa đón con hàng ngày ở trường, nói chuyện với những thầy cô giáo sau những buổi học của con hay nhìn cách con chơi và tương tác với các bạn khác trong sân trường trong lúc chờ người nhà đến đón là chuyện gì đó đặc biệt. Tôi luôn nghĩ bố mẹ chọn sinh ra con thì chuyện đồng hành cùng con, vun đắp cho quá trình phát triển của con là chuyện bình thường.
Vậy mà trong một lần sắp đến ngày thi học kỳ 1 năm học vừa rồi, khi tôi hỏi cô chủ nhiệm của bé về tình hình học tập và các mối quan hệ của con ở trường, đồng thời phản hồi một số thứ mà tôi ghi nhận được từ phía mình trong lúc chờ đón con, đặc biệt là việc cãi vã, mâu thuẫn, xô xát giữa các bé thì cô giáo chia sẻ: “Em rất ngạc nhiên khi chị biết những việc nhỏ như vậy giữa các bé với nhau. Mà chị cũng là phụ huynh duy nhất mà em thấy vào tận lớp để đón bé. Có những bé em chỉ gặp phụ huynh một vài lần vào những kỳ họp nên cũng không ai có ý kiến với em về những chuyện này”.
Cô giáo cũng cho biết nhiều khi muốn trao đổi trực tiếp với phụ huynh một vài bé nhưng chỉ thấy bé đi với tài xế. Từ đó, tôi biết mình là phụ huynh đặc biệt: Đặc biệt vì hàng ngày đưa đón con và đặc biệt vì rất thường xuyên phản hồi với giáo viên về những việc và thầy cô cũng ít để ý.

Quan sát những đứa bé bạn của con được giao cho giúp việc hay tài xế đưa đón hay đến nhà tôi chơi, tôi thấy những bé này ít được dạy dỗ những điều đúng đắn. Có bé ăn bánh kẹo hay vứt vỏ ra sàn nhà, tôi nhắc bé mỗi lần ăn hay lau miệng hoặc làm gì có rác thải nên tự đem bỏ thùng rác.
Tuy nhiên, sau nhiều lần nhắc nhở thì cũng chính tôi là người dọn dẹp các thứ này. Có lần do tò mò tôi đã hỏi: ‘Ở nhà con cứ vứt rác ngay xuống chân như vậy sao? Bố mẹ con không nhắc con hay sao?”. Bé phản ứng ngạc nhiên khi tôi hỏi như vậy và trả lời: “Con không phải làm những việc này mà cũng không có ai nhắc con hết. Mẹ con nói mẹ con đã thuê người giúp việc nên mọi thứ cứ để người giúp việc làm”.

Có người giúp việc để giúp cho cuộc sống tiện lợi hơn thì không có gì đáng trách, nhưng quá dựa vào người giúp việc đến mức đánh mất đi cơ hội được học hỏi để trở thành những người tự lập, siêng năng, biết chăm sóc bản thân của con trẻ thì thật đáng buồn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần