Chiều ngày 6/12, Lễ khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 được tổ thức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội, Quảng Ninh và Vĩnh Long. Tham dự lễ khai mạc Kỳ thi có Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương.
Với chủ đề “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 được tổ chức sau nhiều lần lùi hoãn do đại dịch. Đây là Kỳ thi đầu tiên có đối tượng tham gia được mở rộng, bao gồm người lao động, người học độ tuổi từ 15 – 60.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết, kỳ thi sẽ là bàn đạp thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng lao động Việt Nam trong thời kỳ 4.0 và hội nhập quốc tế. |
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 có nhiều nghề mới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và cũng là những nghề lần đầu tiên tổ chức tại kỳ thi kỹ năng nghề thế giới như: Công nghiệp 4.0, Điện toán đám mây, Phát triển ứng dụng di động. Thậm chí có nghề chưa từng tổ chức thi tại Asean và thế giới nhưng xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước như Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức đã hết sức nỗ lực cùng các đoàn dự thi, các thí sinh, các chuyên gia kỹ thuật tổ chức kỳ thi với 11 nghề theo hình thức trực tuyến có ứng dụng các công nghệ mới trong kỷ nguyên số như điện toán đám mây, siêu máy tính, dữ liệu lớn, đường truyền băng thông rộng và 3 nghề theo hình thức trực tiếp như trước đây với sự tham gia của gần 180 thí sinh của 25 đoàn dự thi là hết sức quan trọng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng tặng hoa cho Ban tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021. |
Với chủ trương đề thi của mỗi nghề phải tiếp cận với trình độ, tiêu chuẩn của kỳ thi kỹ năng nghề Asean, thế giới tại kỳ thi này sẽ là bàn đạp thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Để Kỳ thi được tổ chức an toàn, thành công, đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng đề nghị các Hội đồng thi quốc gia, các trường đăng cai huy động nhân sự, bố trí các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức thi tốt nhất, thuận lợi nhất. Đồng thời, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh để Kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả tốt nhất. Một điều rất quan trọng, đó là Ban Tổ chức Kỳ thi phải đảm bảo các yêu cầu và chấp hành nghiêm những quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, Kỳ thi là cơ hội để các cơ sở đào tạo tiếp cận và gắn kết với xu thế mới của khoa học, công nghệ và việc làm trong đào tạo. Và, cũng là cơ hội để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua những mô hình đào tạo mới, biện pháp xây dựng chương trình đào tạo mới; phương pháp dạy và học mới, đánh giá, phân loại kỹ năng mới... Đối với các thi sinh, đây là cơ hội để được trang bị, rèn luyện kỹ năng số trong học tập, làm việc và tiến tới công dân số, công dân toàn cầu. Thí sinh cũng là trung tâm của Kỳ thi nên cần nỗ lực, phấn đấu hết sức để hoàn thành tốt nhất bài thi của mình.