Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái trao cờ lưu niệm cho các đơn vị dự thi Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội 2019. Ảnh: Thủy Trúc |
Tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao
Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2019 diễn ra trong 5 ngày (26 - 30/11/2019) với sự tham dự của 362 thí sinh tiêu biểu, xuất sắc đua tài ở 26 nghề, đến từ 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng Ban tổ chức Kỳ thi thông tin: So với kỳ thi trước, số lượng nghề được tổ chức tăng lên, số cơ sở GDNN đăng ký cho học sinh tham gia cũng đông hơn. Đặc biệt, cách tổ chức Kỳ thi tay nghề TP năm nay có đổi mới gồm hai phần riêng biệt. Phần thi Hội thi tay nghề TP dành cho tất cả học sinh, sinh viên (HS, SV) các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN - GDTX, DN. Phần thi Sát hạch tuyển chọn những thí sinh có khả năng chuyên môn tốt hơn vào đội tuyển của đoàn TP Hà Nội, tiếp tục ôn luyện, tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia sắp tới dự kiến tổ chức vào tháng 3/2020.
Đến với kỳ thi, chúng tôi mong muốn duy trì truyền thống dạy tốt - học tốt, lấy đó làm điểm nhấn để khẳng định hoạt động đào tạo và rút kinh nghiệm trong các đợt thi sắp tới. Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng |
Vì là sân chơi đỉnh cao nên đề thi Hội thi tay nghề TP Hà Nội 2019 cơ bản dựa trên đề thi quốc gia, đề thi ASEAN cũng như đề thi thế giới. Theo bà Nhàn, đề thi năm nay khó hơn nhiều so với các năm trước. Có một số nghề không được tổ chức tại Kỳ thi tay nghề quốc gia nhưng vẫn được lựa chọn cho Hội thi tay nghề TP như nghề Điều dưỡng và nghề Cắt gọt kim loại.
Hiệu trưởng trường Trung cấp Cơ khí 1 Hà Nội Tạ Văn Xã cho biết: “Dựa trên tiêu chí của kỳ thi năm nay là tiếp cận đề thi ASEAN và thế giới, từ hơn 4 tháng qua, nhà trường đã tập trung ôn luyện cho HS thi các nghề Cơ khí. Năm nay, các thí sinh tham gia kỳ thi có chất lượng rất cao”.
Nâng chất và lượng đào tạo nghề
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, Hội thi tay nghề TP năm 2019 là sân chơi đỉnh cao nên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức, kỹ năng tay nghề tốt để thích ứng được với cường độ và thời gian thi bó buộc... Sân chơi này còn giúp SV tiếp cận với kiến thức, kỹ năng mới để hoàn thiện hơn trong quá trình học tập. Thông qua kỳ thi, các cơ sở GDNN và giáo viên sẽ đánh giá được chương trình đào tạo cũng như kỹ năng nghề của HS, SV đáp ứng đến đâu. Từ đó, từng trường có lộ trình, kế hoạch cụ thể để phát triển chương trình, trang bị kỹ năng tay nghề cho HS, SV.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại Lễ khai mạc cho thấy, tuy một số cơ sở GDNN còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhà xưởng song đều nỗ lực phấn đấu, hưởng ứng tham gia phong trào chuyên môn đỉnh cao. Các trường cũng chủ động khai thác thế mạnh, phát huy tối đa tiềm năng, thu hút ủng hộ của DN, người học. Đồng thời khai thác nguồn lực xã hội hóa vào sự nghiệp đào tạo nghề. Kết quả đạt được rõ nhất trong 2 năm (2018 và 2019), mỗi năm, đào tạo được trên 200.000 lượt người, nhiều thí sinh đạt huy chương tại Kỳ thi tay nghề ASEAN...
Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH Lê Văn Phòng ghi nhận những thành tích trong GDNN của TP Hà Nội. Không chỉ thế, HS, SV ra trường đáp ứng tốt với yêu cầu của các DN tuyển dụng, tỷ lệ HS, SV ra trường có việc làm, làm đúng nghề và việc làm ổn định luôn ở tốp cao trong các tỉnh, TP. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho công tác đào tạo nghề của Thủ đô tăng cả về số lượng, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về nguồn nhân lực trong nước và thế giới trong giai đoạn bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.