Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi từ năm 2025

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hình thức, cách thức của Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tiếp theo là vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT đã và đang tính toán, lên phương án về nội dung trên.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành công một cách toàn diện, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, phù hợp thực tế công tác giáo dục phổ thông trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất sâu sắc của dịch bệnh. 

Kỳ thi có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương và tất cả những người tham gia thực hiện. Thuận lợi nữa của kỳ thi năm nay so với hai năm trước là dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nên chỉ tổ chức 1 đợt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, trong năm học 2022-2023, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và năm 2024, quan điểm thống nhất của Bộ GD&ĐT là giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình GDPT 2006 đang triển khai những năm cuối cùng.

Song song, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.

Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình GDPT năm 2018.

Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng thời nhấn mạnh đến hai phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ.