Kỳ vọng lãi suất giảm thêm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.

Giới chuyên môn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, qua đó khơi thông dòng chảy tín dụng cho các DN vốn đang chịu áp lực lãi vay.

Lãi suất huy động giảm từ 0,5 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm 0,4%

Sau đợt điều chỉnh giảm lãi suất từ đầu tháng 4 đến nay, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh theo hướng đi xuống.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chẳng hạn, VPBank mới đây giảm lãi suất huy động thêm 0,2%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 11 tháng xuống còn 7,9 - 8%/năm; 12 tháng còn 8,1 - 8,2%/năm; SCB đã giảm thêm lãi suất huy động 0,8%/năm ở một số kỳ hạn như 12 tháng còn 8,2%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên còn 7,8%/năm…

ABBank công bố biểu lãi suất mới giảm 0,3 điểm %, lãi suất huy động cao nhất dành cho kỳ hạn 12 tháng từ 9,1% trước đó xuống còn 8,8%...

Thực tế, sau quyết định của NHNN, đầu tháng 4/2023, các ngân hàng thương mại từ Nhà nước đến tư nhân đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,8 điểm %.

Còn tính từ đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm tương đối mạnh khoảng 0,5 - 1,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn.

Lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1 - 1,5 điểm % so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối năm 2022.

Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn này là 8,8%/năm được 4 ngân hàng áp dụng là ABBank, OCB, HDBank và Kienlongbank. Mức lãi suất trên 8,5% còn có sự góp mặt của một số ngân hàng nhỏ như Nam A Bank (8,7%), VietABank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%).

Lãi suất huy động giảm giúp lãi suất cho vay giảm theo. Hiện, lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022 và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

 

Kinh tế Việt Nam quý I/2023 đã tăng trưởng khá thấp. Việc thúc đẩy đầu tư công được cho là động lực tăng trưởng kinh tế nhưng cần thời gian dài mới có hiệu quả, tối thiểu sẽ từ 6 - 7 tháng khi bắt đầu thực hiện. Trong khi đó, nền kinh tế không thể chờ đợi quá lâu nên cần phải sử dụng chính sách tài chính tiền tệ để thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh hơn. Chính phủ cần xem xét để có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng nguồn cung vốn cho thị trường kết hợp chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế, phí cho DN.

TS Đinh Thế Hiển

 

Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho DN sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10 - 10,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm với kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành

Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá mạnh, song lãi suất cho vay vẫn chưa về mức tại thời điểm trước tháng 9/2022. Giới ngân hàng cũng như các chuyên gia tài chính đều dự báo, lãi suất cho vay sẽ sớm được giảm thêm từ 0,5 - 1%/năm, tùy từng lĩnh vực.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 của NHNN cũng cho biết, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong quý II/2023 và giảm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023.

Kết quả này trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước.

“Trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động do nhu cầu tín dụng yếu. Dĩ nhiên lãi suất cho vay được cấu thành từ lãi suất huy động và trong thời điểm khi cung cầu tín dụng ổn định hoặc cầu lớn cung thì có thể duy trì một biên lãi suất cho vay hợp lý; nhưng trong giai đoạn cầu tín dụng thấp quá thì phải kích cầu thông qua việc giảm lãi suất cho vay"- Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng bày tỏ.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới dựa vào một số cơ sở: lãi suất huy động hạ nhiệt làm tiền đề giảm lãi suất cho vay; thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu tín dụng yếu (tín dụng quý I chỉ đạt 2,06%, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ và là con số thấp nhất trong vòng 3 năm qua), nên quy luật cung cầu thì lãi suất cho vay sẽ giảm; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ 1/4/2023 với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 8,2 - 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và xây dựng lại chung cư cũ.

Báo cáo mới đây của bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các thị trường toàn cầu - Ngân hàng UOB cũng cho rằng, NHNN có thể sẽ giảm thêm 1% lãi suất trong quý II/2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước cũng như diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.

“NHNN cần giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng để "đẩy" lãi suất huy động của các nhà băng đi xuống.  Dù vậy, nhiệm vụ này là thách thức khi hiện nay lãi suất USD của Mỹ 5%/năm, không thấp hơn nhiều so với lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng dưới 5,5%/năm, lãi suất huy động những kỳ hạn trên 6 tháng từ 7 - 9%/năm. Trong thời gian tới, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất lần nữa thì điều kiện để giảm lãi suất tiền đồng sẽ trở nên khó khăn hơn” - ông Hiếu lo ngại.

Lãi suất cho vay giảm dưới 7% DN mới có lãi!

Một số DN cho hay đã được giảm lãi vay. Là DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, Công ty CP Thực phẩm GCFood hiện đang tiếp cận được vốn vay ngân hàng mới mức lãi suất 8 - 9,5%. So với cuối năm ngoái, mức vay ưu đãi, hay giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm.

Tuy nhiên, so với giai đoạn 2021 và nửa đầu năm ngoái, mức lãi vay hiện vẫn còn cao.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia Trần Văn Trường cho biết, DN vừa được giảm lãi suất cho vay xuống còn 9%/năm, thấp hơn 1% so với đầu năm.

Dù khá vui nhưng ông cho hay trước đây DN chỉ vay với lãi suất thấp hơn 8%/năm, vì vậy ông mong lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm nhanh hơn. Nhất là trong tình hình sức tiêu thụ quá thấp, giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước khiến DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, lãi suất công ty cũng được giảm 0,5% xuống còn 8,5% đối với tiền đồng; lãi suất vay USD cũng giảm tương tự xuống 6%/năm. Tuy nhiên, theo ông Việt, đối với các DN xuất khẩu thì lãi suất này vẫn quá cao, nên rất nhiều đơn vị vẫn e dè, không dám vay.

“Lãi suất cho vay nhiều ngân hàng vẫn trên 10%/năm. Với lãi suất này, DN không có lãi. Hơn nữa, điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe. Bản thân các DN đều mong lãi suất tiền đồng sẽ giảm nhanh về còn khoảng 7%/năm và riêng lãi suất USD về 3 - 4%/năm như trước đây. DN cần được hỗ trợ về lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay” - Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group Phan Minh Thông kiến nghị.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải nền kinh tế phát triển, hài hòa nhà đầu tư, DN, phù hợp với nhiều lĩnh vực… Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng vừa qua NHNN
Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, DN.

“Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng" - ông Tú nói.

Bên cạnh đó, việc giãn/hoãn nợ cho DN là cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, giãn/hoãn nợ phải phụ thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.

 

Chúng ta kỳ vọng lãi suất đến hết quý III/2023 sẽ giảm về như mặt bằng năm 2019, năm trước khi có đại dịch Covid-19. Lãi suất cho vay cần phải kéo xuống khoảng 6 - 7% thì DN mới mạnh dạn vay tiền, thúc đẩy sản xuất. Người lao động có thu nhập, thậm chí vay tiêu dùng thì kích thích được thị trường nội địa và từ đó lại thúc đẩy quay vòng trở lại cho hoạt động sản xuất.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh