3 nguồn thạo tin cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, có thể đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong một hội nghị trực tuyến dự kiến được tổ chức vào ngày 9/4 nếu Mỹ cùng thực hiện động thái này.
Nhờ kỳ vọng này, thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong phiên 7/4 với giá dầu Brent nhích 80 xu Mỹ, tương đương 2,4%, lên mức 33,85 USD/thùng sau khi giảm hơn 3% trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 83 xu Mỹ, tương đương 3,2%, lên 26,91 USD/thùng, sau khi sụt gần 8% trong phiên đầu tuần.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga, Kirill Dmitriev hôm 6/4 cho biết, Ả Rập Saudi và Nga đang tiến "rất gần" đến một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Nhu cầu “vàng đen” toàn cầu hiện đã giảm tới 30% (tương đương khoảng 30 triệu thùng/ngày), trong bối cảnh hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, gồm Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố sẽ tăng tối đa sản lượng dầu mỏ.
Moscow và Riyadh trong tháng trước đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng khai thác nhằm bình ổn giá dầu. Cũng do còn bất đồng, Nga và Ả Rập Saudi đã hoãn cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 nhằm bàn thảo việc cắt giảm sản lượng giữa thời điểm giá dầu đang giảm sốc do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Thị trường dầu mỏ đang chịu áp lực từ mối đe dọa về một cuộc suy thoái vẫn đang "treo lơ lửng" do dịch Covid -19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, cùng với một nửa dân số thế giới đang rơi vào tình trạng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội.
Trước cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn dự kiến, việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu chắc chắc sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Greg Priddy - Giám đốc năng lượng toàn cầu và Trung Đông tại Stratfor ở Houston, nhận định: “Nếu các nhà sản xuất dầu lớn không phối hợp việc thực hiện giảm sản lượng, giá dầu sẽ tiếp tục trượt sâu do tái diễn tình trạng dư thừa nguồn cung”.
Theo dự báo của các chuyên gia của Capital, giá dầu sẽ duy trì mức thấp kỷ lục trong nhiều năm cho đến khi các hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại.
Giới phân tích đang thận trọng về khả năng Mỹ sẵn sàng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng nhóm OPEC+ nhằm cân bằng nguồn cung - cầu dầu thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/4 nói rằng OPEC đã không yêu cầu ông hối thúc các nhà sản xuất dầu mỏ trong nước cắt giảm sản lượng để giúp giá dầu phục hồi. Ông Trump cũng cho biết các công ty dầu mỏ Mỹ đang cắt giảm sản xuất do giá dầu đang ở mức quá thấp.
Các bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các thành viên thuộc một số tổ chức quốc tế khác sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến do Ả Rập Saudi chủ trì vào ngày 10/4 tới, trong một nỗ lực kêu gọi Mỹ tham gia vào một thỏa thuận mới về việc cắt giảm sản lượng.