Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng từ đề án tổng thể phát triển làng nghề Hà Nội

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2050 (viết tắt là Đề án).

Đề án xác định 4 mục tiêu và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững.

Làng nghề nón Chuông, xã Quốc Trung, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng
Làng nghề nón Chuông, xã Quốc Trung, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, 4 mục tiêu chính của Đề án bao gồm: phát triển kinh tế đa giá trị (trong đó thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hóa nông nghiệp, nông thôn); tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề; thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Một loạt các giải pháp trọng tâm được đề cập trong Đề án nhằm giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, tiến tới kết nối vùng nguyên liệu bảo đảm nguồn cung ổn định; hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch; gìn giữ và phát huy những nghề gắn với làng để làm tiền đề cho phát triển du lịch.

Đề án cũng nhấn mạnh các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá, tạo ra những sản phẩm khác biệt để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển làng nghề. Đặc biệt, những nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải có lộ trình di dời vào khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, những năm qua, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, các nội dung hỗ trợ còn nhỏ lẻ, lồng ghép trong các chính sách chung, khiến việc khai thác giá trị làng nghề còn hạn chế.

“Bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay đặt ra yêu cầu chất lượng, mẫu mã sản phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ và yếu tố bảo vệ môi trường ngày càng cao. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển tổng thể làng nghề, với tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết” - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, sở đang tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện Đề án, phấn đấu cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 sẽ hoàn thành dự thảo Đề án trình UBND TP
Hà Nội xem xét, phê duyệt.

“Đề án khi được thông qua sẽ là đòn bẩy, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững và vươn xa, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung” - ông Nguyễn Xuân Đại kỳ vọng.

Nói về Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, là tin vui cho các làng nghề của Hà Nội.

Tuy nhiên, bà Vinh lưu ý cần phải chi tiết Đề án, gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chính quyền các cấp cần phải nắm chắc Đề án để khi triển khai mới có thể hỗ trợ cho người dân tốt nhất. Trong khi các sở, ban, ngành cần tích cực hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, đặc biệt là xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.