Kỳ vọng vào vòng đàm phán mới Nga-Ukraine, chứng khoán Mỹ khởi sắc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng điểm trong phiên ngày 28/3, khi nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào vòng đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

Chứng khoán Mỹ duy trì đà khởi sắc trong phiên ngày thứ Hai. Ảnh: NYSE
Chứng khoán Mỹ duy trì đà khởi sắc trong phiên ngày thứ Hai. Ảnh: NYSE

Theo CNBC, chỉ số S&P 500 tiếp tục leo dốc trong ngày thứ Hai sau khi tăng 2 tuần liên tiếp trong bối cảnh giới đầu từ phớt lờ dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế và đẩy cổ phiếu công nghệ đi lên.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones tăng 94,65 điểm, tương đương 0,27%, lên mức 34.955,89 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,7% lên 4.575,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng leo dốc 1,3% đạt mức 14.354,90 điểm, nhờ đà tăng vọt của cổ phiếu Tesla. Chỉ số S&P 500 chạm đỉnh trong ngày thứ Hai khi giá dầu thô xuống đáy của phiên với mức giảm hơn 11%.

Giá “vàng đen” giảm mạnh sau đà tăng vọt gần đây do xung đột địa chính trị, với giá dầu WTI tương lai sụt 7% xuống 105,96 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng mất gần 7% còn 112,48 USD/thùng. Nhóm cổ phiếu năng lượng đi xuống cùng với giá dầu. Cổ phiếu Chevron và Exxon Mobil lần lượt giảm 1,8% và 2,8%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô điện Tesla tăng vọt 8,03% và là mức tăng lớn nhất đối trên S&P 500 và Nasdaq, sau khi cho biết đang muốn chia tách cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.

Cũng góp phần tạo lực đẩy cho thị trường cổ phiếu là chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) - thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên rớt mốc 20 lần đầu tiên kể từ ngày 14/1/2022.

Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư tại Bleakley nhận định:”Tôi cho rằng bất kỳ ai cũng phải ấn tượng với đà tăng vững vàng gần đây của thị trường Phố Wall mặc dù đang đối mặt với nỗi lo về khả năng thắt chặt chính sách mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Dù tăng điểm phiên này, nhưng áp lực bán trên thị trường có thời điểm gia tăng mạnh, đặc biệt là tại đầu phiên khi một phần đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bị đảo ngược, làm gia tăng lo ngại về suy thoái.

Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm tiến tới 2,6361%, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm xuống 2,6004%, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2006. Điều này tăng lo ngại chính sách tiền tệ tích cực hơn của FED sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và có khả năng gây ra suy thoái. Tuy nhiên, mức chênh lệch lợi suất chính mà nhà đầu tư thường theo dõi là giữa lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm hiện vẫn dương.

Cổ phiếu ngân hàng đi xuống khi đường cong lợi suất có dấu hiệu đáng ngại. Cổ phiếu JPMorgan Chase mất 0,7%, Wells Fargo và Bank of America lần lượt giảm 1,4% và 0,4%.

Trong khi đó, giới đầu tư đặt kỳ vọng mới về hòa bình Nga-Ukraine, sau khi hai nước cho biết các phái đoàn của họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến ​​diễn ra trong tuần này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng các cuộc thảo luận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể sẽ được tổ chức vào ngày thứ Ba.

Tuần này, thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục theo dõi bất kỳ phát biểu nào từ các quan chức FED về vấn đề lãi suất và lạm phát. Trong tuần sẽ có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, bao gồm báo cáo niềm tin tiêu dùng và giá nhà công bố vào ngày thứ Ba, tiếp đến là báo cáo việc làm tháng 3 công bố vào ngày thứ Sáu. Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm 460.000 việc làm trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,7%, theo Dow Jones.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần