Lá dong gói bánh vẫn xanh

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không biết gia đình khác như thế nào, gia đình chị năm nào cũng gói bánh chưng xanh, từ ngày 28 Âm lịch. Nồi bánh nhỏ dần theo số lượng bánh ít đi qua năm tháng nhưng vẫn được duy trì.

Ảnh minh họa: Trung Hiếu
Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Chị nhớ rõ, hồi nhỏ mẹ chị gói khoảng bốn mươi cái bánh chưng. Khi gói xong cái cuối cùng, mẹ lại lấy số gạo còn thừa gói thêm vài cái bánh nhỏ, để cho những đứa nhỏ háu đói. Bánh này thường khi được vớt ra là chia cho bọn trẻ ăn ngay. Thằng út ham ăn, lúc nào cũng chờ chực để được nhận chiếc bánh đầu tiên.

Chừng đó bánh, ngoài số đặt trên bàn thờ để cúng, số để cho cả gia đình ăn chung, mỗi đứa con được chia mấy cái. Thế là, đứa ăn dè cất bánh được đến mùng Năm, mùng Sáu Tết. Đứa út thường ăn hết phần bánh của nó trước hết, thế là mẹ hoặc chị lại chia phần cho nó thêm.

Nấu bánh chưng, bắt đầu bằng việc mua lá dong, rửa sạch (phần việc này chị hay phụ trách). Lá được rửa xong thì được bố của chị buộc lên cột nhà để ép cho phẳng. Phần gói bánh do mẹ chị phụ trách. Bà gói bánh không cần khuôn nhưng vẫn vuông vắn, đều tăm tắp. Do gói bánh khéo nên bà thường được hàng xóm nhờ gói giúp.

Những năm gần đây, mẹ chị đã già nhưng bà vẫn tổ chức gói bánh nhân dịp Tết. Chị nói: “Mẹ bao nhiêu vườn, ruộng, lại thêm chăn nuôi gà… Thôi mẹ nghỉ ngơi đi. Mẹ để con mua bánh chưng cho. Bánh chưng giờ vừa ngon, vừa rẻ”.

Bà không trả lời chỉ nói: “Mày đi chợ mua lá dong sớm, kẻo hết lá đẹp. Năm nay chỉ gói độ chục cái thôi”.

Ngày gần Tết, con cháu về khá đông đủ. Lúc đó, bà mới đem ngâm gạo nếp, xôi… chuẩn bị gói bánh. Khi bà gói bánh, lũ trẻ quây quần lại xem. Có đứa bạo dạn: “Bà cho cháu gói thử một cái”. Bà dạy cho chúng cách gói.

Bữa cơm cuối năm khá đông đủ con cháu, điều đặc biệt là mấy mâm cơm đều có bánh chưng đã bóc và cắt thành mấy góc.

Lúc ăn, bà nhắc nhở mọi người ít nhất cũng ăn một miếng bánh. Bà nói: “Tết mà không có bánh chưng, không phải là Tết”. Trong bữa ăn cuối năm, bà cấm không được đứa nói nào than phiền chuyện này, chuyện nọ, nhất là mâu thuẫn với nhau.

Bà nói: “Chúng mày có mắc mớ với nhau cái gì thì nói ngay. Không giải quyết được thì nói tao tư vấn cho. Bố chúng mày lúc còn sống nhắc: Anh em mà còn không thương nhau thì đừng đòi hỏi người ngoài thương”.

Bà nói thêm: “Tại sao nhà ta phải duy trì nồi bánh chưng? Hồi xưa, bánh chưng không chỉ là món ngon, món được ăn no mà là việc gia đình quần tụ. Đỏ lửa nấu bánh là để nuôi hy vọng ngày mai tươi sáng”.

Khi bà nói chuyện, chị thấy một vài người trong 5 chị em nhà chị đỏ mặt vì ngượng. Những người này thường quan niệm: Có tiền là có tất cả. Như chị thứ ba hay nói: “Ôi dào, gói, nấu làm gì cho mệt. Bánh chưng giờ đầy chợ, vừa rẻ vừa ngon hơn cả bánh của nhà mình”.

Nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, hiện nay không coi trọng việc nấu bánh chưng. Không gian TP nhiều lúc cũng không có chỗ để nấu bánh. Nhiều nhà “cải tiến” nấu bánh chưng bằng nồi áp suất...

Bánh chưng vẫn còn trên bàn thờ tổ tiên nhưng đang được thương mại hóa. Như chị biết, nhưng người như mẹ chị, vẫn mong muốn con cháu biết quý trọng nhưng hạt lúa, hạt đậu của người nông dân làm ra; biết tổ chức một bếp lửa truyền thống quần tụ gia đình; cuối cùng là gia đình sum họp nhớ về những ngày xưa, tháng cũ sướng hay khổ đều có nhau.

Mẹ chị còn gọi chị lại căn dặn: “Các anh chị em ở xa. Riêng mày ở quê, trong căn nhà của bố mẹ của gia đình. Do đó, mày có trách nhiệm gìn giữ truyền thống gói bánh chưng nhé. Lá dong bánh chưng phải xanh không héo úa nhé!”.

Chị nghe lời bà dặn và chỉ biết lặng lẽ gật đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần