Kinhtedothi - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp mức lãi suất 8,7%/năm đối với DN và người dân là 8,2%/năm. Mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với những hồ sơ vay vốn nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất này chưa đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà.
Chưa như kỳ vọng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ quý I/2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NƠXH và nhà ở công nhân, căn cứ theo Nghị quyết 33/2023/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua NƠXH vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Theo đó, các ngân hàng đã có sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai để cùng chung cơ chế cho vay, chứ không phải mỗi ngân hàng một cách.
“Cơ chế cho vay do các ngân hàng quyết định nhưng lãi suất sẽ giảm 1,5% với nhà đầu tư, DN đầu tư nhà ở công nhân, NƠXH và nhà xây lại chung cư cũ. Còn với người mua nhà thì lãi vay sẽ giảm 2%, mỗi người chỉ vay một lần cho một căn NƠXH để đảm bảo công bằng. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng và không quá thời hạn ngày 31/12/2030” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin.
Theo đó, lãi suất cho vay dự kiến từ 8,7%/năm, thời gian áp dụng 3 năm cho chủ đầu tư. Còn với người mua nhà là 8,2%/năm, áp dụng trong 5 năm, thông qua gói tín dụng này thị trường sẽ được cấp khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 – 2030, theo Đề án phát triển nhà ở đã được Chính phủ phê duyệt.
“Vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 12 – 15 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn phải nuôi 2 con nhỏ. Trước đây chúng tôi kỳ vọng sẽ được vay gói ưu đãi 4,8 – 5%/năm của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở nhưng cân đối tài chính vẫn chưa thực hiện được.
Với mức lãi suất lên tới 8,2% thì gia đình tôi càng không có kỳ vọng vay vốn, phải tiếp tục gác giấc mơ mua nhà lại” – anh Lê Tuấn Trường (Tam Nông, Phú Thọ), công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.
Cuối tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013 và Thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước là 5%/năm.
Trước đó, mức áp dụng này là 4,8%/năm, mặc dù mức điều chính tăng chỉ khoảng 0,02%/năm nhưng các chuyên gia cho rằng nó tác động rất lớn đến nhóm người mua NƠXH, nhà ở công nhân.
Vì vậy, với việc Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất 8,2% đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được cho là quá cao so với nhóm người thu nhập thấp. Ngoài ra, nếu chỉ ưu đãi trong thời gian từ 3 – 5 năm, thì sau khoảng thời gian này cả DN và người dân vẫn sẽ phải chịu lãi suất theo thị trường nên thực tế cơ chế này cũng chưa mang lại tính ưu việt để hỗ trợ người lao động thu nhập thấp.
“Số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng nhưng với lãi suất trên thì người mua nhà phải trả cho ngân hàng rất nhiều. Lãi suất cho vay quá cao sẽ làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường BĐS thêm khó khăn. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng lãi suất phù hợp khoảng 6%/năm và ổn định trong thời gian dài suốt chu kỳ vay, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở” – chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Cần linh hoạt về chính sách
Ở chiều hướng khách quan hơn, nhiều ý kiến cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này là cam kết bố trí vốn cho vay của các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định nên tiền có sẵn và có thể giải ngân ngay khi hồ sơ đủ điều kiện. Đồng thời cơ chế xét duyệt, trình tự giải quyết hồ sơ vay vốn sẽ nhanh và đỡ phức tạp hơn hồ sơ vay vốn mua NƠXH của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, với việc thị trường đang khan hiếm nguồn vốn vay dành cho nhà ở thời gian qua, thì mức lãi suất từ 8,2 – 8,7%/năm thời điểm này là có thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay đó là tính pháp lý và điều kiện để giải ngân, vì vậy tiền sẵn nhưng sẽ không dễ để giải ngân.
Còn nhớ, cuối năm 2021 Ngân hàng Chính sách xã hội được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình NƠXH giai đoạn 2022 – 2023, bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nhưng đến thời điểm này mới giải ngân được trên 4.300 tỷ đồng, số còn lại chưa thể cho vay do không có khách hàng hoặc hồ sơ không đủ điều kiện.
“Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng còn dư lượng lớn tiền vì nguồn cung NƠXH tại các địa phương khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện.
Chủ đầu tư một số dự án NƠXH đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại triển khai dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp, nên khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân” - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận cho hay.
Đáng chú ý, không chỉ gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho NƠXH, mà cả gói tín dụng 40.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 2% trong Chương trình phục hồi phát triển triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 dành cho cộng đồng DN (trong đó có DN BĐS), việc triển khai giải ngân cũng rất chậm, đến hết năm 2022 mới giải ngân được 134 tỷ đồng. Những khó khăn, vướng mắc về tính pháp lý và điều kiện giải ngân theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng chính là băn khoăn lớn nhất của các chuyên gia đối với gói tài chính 120.000 tỷ đồng lần này.
“Giai đoạn hiện nay không dễ dàng để triển khai một dự án NƠXH, nếu không có dự án thì cũng không thể giải ngân, nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải rốt ráo tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Một dự án kéo dài từ 5 – 10 năm sẽ làm gia tăng chi phí phát sinh và nâng giá thành sản phẩm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ pháp lý cho các dự án để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đủ điều kiện để DN, người dân dễ dàng tiếp cận được vốn từ ngân hàng” - Giám đốc Bộ phận phát triển nhà ở CBRE Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nói.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ nhằm vào phân khúc thị trường đang khan nguồn cung trong khi nhu cầu lớn là NƠXH. Nhưng thời điểm này muốn làm NƠXH, nhà ở cho công nhân phải có quỹ đất và quy hoạch đầy đủ hạ tầng, chủ đầu tư phải đáp ứng đầy đủ pháp lý. Vì vậy, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật, vướng ở đâu thì gỡ ở đó.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng