Ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, còn lại phải dùng nguồn vốn dài hạn.
“Để có vốn dài hạn, chúng tôi đang phải vay các tổ chức tín dụng, các định chế nước ngoài, lãi suất USD bình quân bây giờ 7 - 8%, giá vốn bình quân 6,5 - 7%/năm. Như vậy, cho vay trung và dài hạn với bất động sản ở mức 9 - 10% đã rất thấp so với thị trường thế giới, và cơ bản là các ngân hàng đang hòa vốn”, ông Phạm Như Ánh phân tích.
Tổng giám đốc MB cũng cho biết thêm, với các khoản huy động vốn trung và dài hạn, các ngân hàng huy động từ cuối năm 2022 và hết quý I/2023 với lãi suất 9 - 10%. Do đó, để giảm giá vốn thì phải có thời gian, đến khoảng quý II/2024 thì mới có giá vốn thấp được.
“Dự kiến, mức lãi suất này phải từ quý IV/2023 mới giảm dần và sang đến hết quý I/2024 các sổ tiết kiệm có mức lãi suất cao này mới đến kỳ đáo hạn” - đại diện MB chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cũng cho rằng: “Cho vay, trung dài hạn bây giờ gần như không có lời”. Ông phân tích, trong hoạt động ngân hàng, việc huy động để cho vay trung dài hạn có chi phí rất cao. Ngân hàng càng khó hơn với quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 30%.
Tổng Giám đốc của TPBank Nguyễn Hưng cho biết, với các khoản huy động kỳ hạn dài thì lãi suất phải thả nổi, nếu không ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lãi suất, có thể huy động cao mà cho vay thấp như những gì diễn ra vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.
"Vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động từ 10 - 11%/năm và đến hiện tại ngân hàng vẫn phải trả mức đó cho người gửi tiền trong khi mặt bằng lãi suất cho vay đã dưới 10%/năm, như vậy ngân hàng có thể lỗ lớn từ những khoản huy động từ năm trước", ông Nguyễn Hưng lấy ví dụ.
Tổng Giám đốc TPBank cho biết, việc cho vay với các nhà phát triển BĐS có lợi nhuận biên không nhiều nên kém hấp dẫn còn cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì nhu cầu đều thấp, cả về phía nhà phát triển lẫn người mua.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay lãi suất cho vay đã giảm nhưng DN thì bao giờ cũng mong muốn lãi suất giảm thêm. Nhưng thực tế không dễ giảm như vậy.
Điển hình là lãi suất cho vay BĐS dài hạn vẫn còn cao là do nhu cầu cao và ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, phải tuân thủ quy định về giới hạn an toàn. Sự đổ vỡ của các ngân hàng ở Mỹ vừa qua buộc các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý điểm này để giữ ổn định cho nền kinh tế.
"Nếu hệ thống ngân hàng chao đảo, DN cũng không có một môi trường bền vững để hoạt động. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng cần phải tiết giảm các chi phí, ứng dụng công nghệ để có thể hỗ trợ cho các DN, nhất là các DN uy tín, tín nhiệm để vay vốn. Với những DN kinh doanh hiệu quả, đồng thời rà soát để rút ngắn hồ sơ thủ tục, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm chi phí vốn, hỗ trợ cho DN" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.