Lãi suất dự báo tiếp tục giảm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ lãi suất sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của nền kinh tế trong năm 2023. Kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm đợt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay, qua đó hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng.


Lãi suất huy động giảm đồng loạt

So với cùng kỳ tháng 4, lãi suất huy động của KienLongBank giảm tới 1,55%/năm cho kỳ hạn 9 tháng với mức niêm yết 7%/năm. Các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng giảm còn 7,75%/năm. Tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng gửi online được niêm yết 8,1%/năm, Techcombank và Sacombank là 7,8%/năm, SHB 7,9%/năm, MB 7,4%/năm...

Với kỳ hạn 6 tháng, HDBank đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống là 8,6%/năm, dành cho các khoản tiền gửi trực tuyến.

Đứng sau HDBank, có 4 ngân hàng khác đang niêm yết mức lãi suất 8,5% cho kỳ hạn này là Nam A Bank, ABBank, OCB và VietABank. Còn ở kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng niêm yết mức lãi suất trần cho phép là 5,5%/năm.

Nhân viên BIDV Hà Nội hiệu chỉnh bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên BIDV Hà Nội hiệu chỉnh bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng cũng giảm từ 1 - 2%/năm so với cách đây 2 tuần. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt ngày 28/4 kỳ hạn qua đêm là 4,61%/năm, 1 tuần 4,80%/năm, 2 tuần là 4,93%/năm, 1 tháng 5,24%/năm…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được, DN khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư.

Kể từ đầu năm đến nay, chính sách lãi suất của Việt Nam đã bắt đầu đảo chiều. NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

 

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hạ lãi suất dựa vào đánh giá tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế, đồng thời sẽ đưa ra định hướng cụ thể cho các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất cho vay trên tinh thần vận động, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cắt giảm những chi phí để có thể tạo điều kiện một cách tốt nhất hạ lãi suất cho các DN và người dân vay vốn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

 

Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã giảm bình quân từ 1 - 1,2%; lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống ngân hàng cũng giảm khoảng 0,5 - 0,65%.

Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường - mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.

Kỳ vọng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất

Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua đó là ngày 3/5, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 5% - 5,25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 10 của Fed chỉ trong hơn 1 năm đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ năm 2007 cho tới nay. Việc này có ảnh hưởng đến chính sách lãi suất trong nước hay không?

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ, bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ giảm giá như đã đề cập ở trên. Điều này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn khi Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp khôi phục kinh tế.

Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đang không được khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, xuất nhập khẩu giảm 11%, số DN rời thị trường lớn…

Từ thực tế trên, TS Lê Xuân Nghĩa nhận thấy đang có những tín hiệu tạo cơ hội để NHNN tiếp tục giảm lãi suất. Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % song thị trường dự đoán Mỹ sẽ không còn tiếp tục tăng lãi suất được nữa, bởi nếu tăng kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái sâu. Cùng với đó, đồng USD đang được dự đoán vẫn trong xu thế giảm, đặc biệt, lạm phát của Việt Nam kỳ vọng đã qua vùng đỉnh và tiếp tục xu hướng giảm.

Đánh giá về xu hướng hạ lãi suất, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, NHNN có nhiều lý do để tiếp tục xu hướng nới lỏng và nhiều khả năng sẽ có thêm đợt hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay. Chuyên gia của KBSV cũng cho rằng, các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng là cần thiết để giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng mục tiêu 6,5% của Chính phủ.

“NHNN có thể giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5 điểm % trước thời điểm cuối quý II/2023. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu” - Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) phân tích.

Lãi suất cho vay vẫn neo cao

Trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh từ 2 - 3%/năm so với thời đỉnh điểm hồi tháng 1 thì lãi suất cho vay vẫn giảm chậm. Nhiều DN cho biết vẫn đang ngóng được giảm lãi suất cho vay.

Một số khách hàng cá nhân phản ánh lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng vẫn ở mức cao. Anh N.Q, khách hàng đang vay tiêu dùng qua lương tại Eximbank, vẫn phải chịu lãi suất tới 14%/năm.

Lãnh đạo một DN địa ốc ở Hà Nội cho biết, đơn vị đang vay nợ cũ với mức lãi suất 13%. Đến thời điểm này, DN chưa được giảm lãi suất

Một số khách hàng đang vay mua nhà tại TPBank nhận được thông báo khoản vay mua nhà ở mức 14%/năm… Lãi suất vẫn còn ở mức cao và các tổ chức tín dụng vẫn phải duy trì điều kiện cho vay thận trọng khi sản xuất - kinh doanh vẫn khó khăn, tiềm ẩn nợ xấu.

TS Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, đến tháng 10/2023 tới, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%.

Như vậy sắp tới, các ngân hàng có thể phải căng sức huy động vốn dài hạn lẫn ngắn hạn nhằm bảo đảm tỷ lệ sử dụng vốn đúng quy định. Điều này sẽ làm cho các ngân hàng thương mại hết sức dè dặt trong việc hạ lãi suất.

TS Trương Văn Phước kỳ vọng NHNN linh hoạt các công cụ điều hành lãi suất như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng cho vay thị trường mở, cho vay tái cấp vốn... để các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay.

Từ đầu tháng 5/2023, Vietcombank quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN trong 3 tháng, từ 1/5/2023 đến 31/7/2023. 3 “ông lớn” khác là BIDV, VietinBank và Agribank cũng đồng thuận sẽ giảm thêm lãi suất cho vay. Big 4 ngân hàng chiếm 50% thị phần cho vay hạ lãi suất kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên lãi suất thị trường.

 

Cộng đồng DN hiện nay đang rất khó khăn, nhiều DN đã phải bán tài sản để cầm cự. DN mong muốn cơ cấu lại nợ giữa các ngành kinh tế. Việc hạ lãi suất huy động lẫn cho vay là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có lợi cho DN, cho nền kinh tế mà cho cả chính ngân hàng.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm