Lái xe công nghệ: Chới với tìm điểm tựa an sinh

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù “tuổi đời” non trẻ so với các loại hình lái xe khác, nhưng tài xế công nghệ đang là một trong những lực lượng chính duy trì dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định, chính sách nào bảo đảm quyền lợi và rủi ro nghề nghiệp cho nhóm đối tượng này.

Mối quan hệ bất bình đẳng

Với sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các nền tảng kinh tế số, lái xe công nghệ chỉ là một trong những biểu tượng của nhóm quan hệ lao động mới.

Tài xế công nghệ là chỉ có hợp đồng đối tác với công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, không phải hợp đồng lao động và nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2019. Hiện cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng, quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng này.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ: “Hiện trên thế giới, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về vấn đề lái xe công nghệ là người lao động hay là người hợp tác kinh tế. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài câu chuyện này. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy, phải đưa nhóm người lao động này vào tầm ngắm và xác định xem họ thuộc nhóm lao động nào”.

Lái xe công nghệ làm việc trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp. Ảnh: Phạm Công
Lái xe công nghệ làm việc trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghề nghiệp. Ảnh: Phạm Công

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng lý giải, trên quan hệ hợp tác kinh tế, công ty cung cấp nền tảng công nghệ để thực hiện giao dịch, lái xe công nghệ đảm nhận phần vận chuyển, có tài sản và được tự do về mặt về mặt thời gian. Hành khách là những người được thụ hưởng kết quả của sự hợp tác.

Thoạt nhìn qua thì đây là một quan hệ hợp tác. Nhưng thực chất mối quan hệ này như thế nào?

“Nếu là đối tác, quan hệ phải dựa trên sự bình đẳng, hai bên đều có quyền. Nhưng rõ ràng, mối quan hệ giữa người lao động với chủ nền tảng công nghệ không hề bình đẳng. Công ty cung cấp nền tảng công nghệ quyết định giá cước của một chuyến đi, phần trăm chia cho lái xe và trích lại cho nền tảng. Trong khi đó, người lao động công nghệ không thể chi phối hay có thể thỏa thuận về vấn đề này” - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.

Lái xe tương tác với ứng dụng công nghệ nhưng không phải với tư cách người làm chủ mà chịu chi phối của công ty cung cấp nền tảng. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp nền tảng cũng đưa ra rất nhiều chính sách để quản lý việc lái xe khi sử dụng ứng dụng, từ đó đánh vào lợi ích kinh tế của tài xế.

Hiện nay, ở nhiều nước, dù chưa công nhận tài xế công nghệ là một lực lượng lao động, tuy nhiên khi có những tranh chấp xảy ra, thì thường vận dụng những điều khoản dành cho người lao động để giải quyết.

“Nếu vẫn coi đây là mối quan hệ hợp tác kinh tế thì lái xe chính là người chủ. Và vừa rồi, trong dự thảo Bộ luật BHXH, chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ các kinh tế hộ, được đưa vào để trở thành đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, lái xe công nghệ cũng trở thành đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” - bà Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ quan điểm.

Nhu cầu chính đáng

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 60% lái xe công nghệ đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp. Bình quân sau khi trừ phí, xăng..., lái xe mô tô thu nhập 7 triệu đồng/tháng; lái xe ô tô là 12 triệu đồng/tháng.

Thu nhập không cao nhưng nhìn chung công việc của lái xe công nghệ rất căng thẳng. Tài xế làm việc toàn thời gian trung bình từ 8 - 13h/ngày; còn bán thời gian trong khoảng 5 - 6h/ngày. Như vậy, so sánh với số giờ làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, thời gian làm việc trung bình một ngày của tài xế công nghệ gần ở ngưỡng giới hạn tối đa (12h/ngày).

Anh Phạm Văn Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã làm tài xế công nghệ được 5 năm. Công việc nắng mưa vất vả, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ nào của công ty. Nếu được tạo điều kiện, tôi sẵn sàng tham gia BHXH bắt buộc, vừa là bảo vệ bản thân, vừa đỡ phần nào nếu gặp rủi ro tai nạn”.

Lái xe công nghệ gần như không có các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ… Hầu hết, họ đều bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc. Ngoài ra, còn phải làm việc trong điều kiện vất vả, chịu nhiều rủi ro: tai nạn, mất, hỏng hàng hòa, áp lực từ khách hàng, thậm chí bị quấy rối tình dục,... Về phúc lợi, người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết...

Dù vậy, không có một cơ quan nào đứng ra bảo đảm quyền lợi và những rủi ro nghề nghiệp cho nhóm đối tượng lao động này. Các công ty cung ứng dịch vụ cũng không phải chịu trách nhiệm đóng BHXH cho tài xế công nghệ.

BHXH bắt buộc của Việt Nam hiện đang có 5 chế độ, trong đó 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản, và tai nạn lao động, rất quan trọng và cần thiết với lái xe công nghệ.

Anh Nguyễn Văn Cường (Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ: “Lái xe công nghệ cần được đóng BHXH. Khi mình tiếp tục gắn bó với nghề, có bảo hiểm sẽ duy trì được quyền lợi, chế độ của người lao động. Về lâu dài, khi có tuổi thì chúng tôi sẽ có một khoản lương hưu để an dưỡng”.

Đưa lái xe công nghệ vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là giải pháp bảo đảm về an sinh trong quá trình lao động và khi về già.

Từ đây, Nhà nước có thể mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, dần tiến đến đóng BHXH bắt buộc cho tất cả tất cả lực lượng lao động, tương tự như chế độ bảo hiểm y tế hiện nay.