Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lái xe vi phạm nồng độ cồn: Tăng nặng xử phạt để răn đe

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước...

Cảnh sát lấy lời khai của tài xế Nguyễn Đức Thịnh (ảnh nhỏ) và chiếc xe Audi trong vụ tai nạn làm 3 người chết tại Bắc Giang. Ảnh: Internet.
Cảnh sát lấy lời khai của tài xế Nguyễn Đức Thịnh (ảnh nhỏ) và chiếc xe Audi trong vụ tai nạn làm 3 người chết tại Bắc Giang. Ảnh: Internet.

5 tháng đầu năm 2022, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên điều đáng nói nhiều vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước. Cùng với đó là vi phạm về cơi nới thành thùng, mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng mức xử phạt xong tình trạng này vẫn chưa giảm.

Những vụ tai nạn thảm khốc do ma men xảy ra trong thời gian gần đây, mà gần nhất, vụ xe hiệu Audi đâm tử vong 3 người đi xe máy xảy ra tại tỉnh Bắc Giang chỉ vài ngày trước là ví dụ điển hình. Tài xế điều khiển chiếc ô tô hạng sang này gây tai nạn trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đáng báo động hơn, nam tài xế này lại đang là cán bộ công tác trong ngành giao thông vận tải. Ba người dân vô tội đã bị anh ta cướp đi tính mạng, trong đó có một nạn nhân mới 13 tuổi. Còn gì đáng căm phẫn hơn thế nữa?!.

Không chỉ vấn nạn “ma men sau tay lái”, tình trạng chở quá tải rồi gây tai nạn chết người cũng đang ngày một nóng trong thời gian gần đây. Vụ xe tải chở đất quá tải bị lật đè ô tô con khiến 3 người trong xe tử vong tại chỗ xảy ra tại tỉnh Hòa Bình chỉ 2 ngày sau vụ siêu xe Audi đâm chết 3 người đi xe máy ở Bắc Giang càng làm dư luận thêm bức xúc và căm phẫn.

Trên thực tế, tình trạng xe tải cố tình cơi nới thành, thùng, chở quá tải trọng cho phép được nói đến rất nhiều năm qua. Từng có thời điểm, ngành giao thông phát động chiến dịch rầm rộ để xử lý nạn xe quá tải bằng cách lập hàng loạt trạm cân tải trọng xe.

Thậm chí, nhiều trường hợp xe quá tải, cơi nới thành, thùng đã bị hạ tải, cắt bỏ thành thùng ngay tại trận nhằm triệt tiêu hoàn toàn “công cụ gây án” của những loại phương tiện này. Tuy nhiên, theo thời gian, khi chiến dịch rầm rộ đó qua đi, sức nóng của cuộc chiến với xe quá tải nguội dần và những “hung thần quá tải” tái diễn trở lại.

Thực tế vấn nạn ma men sau tay lái, xe cơi nới thành thùng, chở quá tải dư luận đã nhiều lần lên án gay gắt, giới chuyên gia và cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều, song nó vẫn cứ lặp đi lặp lại.

Thậm chí Nghị định 100/NĐ-CP đã có nhưng quy định khá nặng những vi phạm này song dường như các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng vẫn cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý.

Thậm chí nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng “cú đấm thép” đối với “ma men sau tay lái” và xe quá tải vẫn chưa đủ lực? Nếu thật sự như vậy, đã đến lúc chúng ta cần “tăng lực” hơn để thật sự phát huy được hiệu quả cần có và nên có.

Tuy nhiên, “lực” ở đây không phải chỉ đơn thuần là chế tài xử phạt mà hơn hết cần một chiến lược toàn diện, lâu dài và liên tục. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào một vài đợt phát động cao điểm ra quân hàng năm sẽ khiến cuộc chiến với xe quá tải, với “ma men sau tay lái” khó đạt được những mục tiêu đã đề ra. Và những hung thần trên đường vẫn là nỗi lo của nhiều người dân.