Làm gì để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russel trong kỳ đánh giá năm nay.

Từ các phân tích thực tế của thị trường, chuyên gia SSI nhận định, cơ hội được FTSE Russel nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024 và khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong các năm sau.

Muốn thực hiện được mục tiêu và kỳ vọng này, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Hiện, các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể bảo đảm thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding).

Có thể thấy, nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý. Do vậy, điều này sẽ rất cần một sự nỗ lực chung từ phía tất cả các thành viên tham gia thị trường chứ không chỉ thụ động chờ đợi.

Cụ thể, theo các chuyên gia, về phía cơ quan quản lý và các yếu tố pháp lý, cần có một sự điều chỉnh hài hòa các luật liên quan tới đầu tư và giao dịch chứng khoán để có thể hỗ trợ được nhà đầu tư. Trước đó, vào cuối năm 2022, việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) là bước đầu giúp đồng nhất các yếu tố liên quan đến hệ thống giao dịch hay cơ sở hạ tầng.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch. Do vậy, việc thỏa mãn yếu tố này (hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài) nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần nhìn nhận là cả hai chính sách/biện pháp này tốt nhất cần được phối hợp cùng nhau để đưa lại hiệu quả tối đa của quá trình đón nhận dòng vốn từ nước ngoài vào.

Tiếp theo, vai trò của các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán là rất quan trọng trong việc vận hành thị trường chứng khoán. Với kỳ vọng việc nâng hạng sẽ giúp quy mô thị trường sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt là nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống vận hành và các quy trình quản trị rủi ro của công ty chứng khoán cần được tập trung chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu liên quan tới giao dịch.

Cuối cùng, với các DN niêm yết, cần hiểu rõ được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong quá trình nâng hạng thị trường. Ví dụ với quá trình điều chỉnh giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các DN có thể chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh để đề xuất nới giới hạn sở hữu.

Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, bao gồm các quy định về thị trường, thông tin của các sở giao dịch, trung tâm lưu ký chứng khoán và thông tin về các DN, là rất cần thiết để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm với điều kiện phải truyền thông tốt cho các DN niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.