Nên thay đổi kênh học tập thay sách
Nếu trước đây, sách giáo khoa, nhất là sách của bậc tiểu học chỉ gồm những môn học cơ bản như: Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh, Khoa học… thì trong bộ sách của học sinh hiện nay, ngoài sách các môn học còn có nhiều sách/tài liệu về các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất và hoạt động kỹ năng như: Hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, Giáo dục Quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục An toàn giao thông, Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh….
Dọn giá sách cho con trai để chuẩn bị năm học mới, anh Nguyễn Văn Hà, quận Hai Bà Trưng phát hiện ra rất nhiều cuốn sách còn mới tinh, hầu như anh chưa bao giờ nhìn thấy và cũng chắc rằng con mình rất ít khi động vào, đó là cuốn Giáo dục An toàn giao thông. Anh Hà thú nhận: “Cả năm tôi hầu như không có thời gian xem sách của con nên rất ngạc nhiên về cuốn sách này. Cuốn sách rất mới, khả năng con ít thời gian được học, được đọc. Tôi cho rằng, kiến thức an toàn giao thông rất cần thiết nhưng thay vì mua sách hoặc trang bị sách, thầy cô có thể cho các con tiếp cận kiến thức qua các kênh thức khác để tăng hiệu quả hơn là cầm sách giảng”.
Khẳng định chưa từng thấy con cầm cuốn sách giáo khoa nào để đọc khi ở nhà, chị Mai Hà Anh, trú tại quận Thanh Xuân cho rằng, những cuốn như Giáo dục thể chất không cần phải mua sách, thay vào đó là giáo viên dạy lý thuyết và cho học sinh thực hành. “Con tôi không đọc sách Giáo dục thể chất, tôi không hiểu thời gian con học ở lớp có dùng không nhưng mua cuốn sách này là lãng phí"- chị Hà Anh bày tỏ.
Tương tự, các sách như: Vở bài tập Đạo đức, Thực hành Kỹ thuật, Vở bài tập Địa lý… hay các tài liệu: Giáo dục Quyền và bổn phận trẻ em, Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường… , nhiều phụ huynh cho rằng con mình không đọc, không làm và hầu như không bao giờ thấy con nghiên cứu. Bởi vậy, những cuốn đó là không cần thiết phải mua mà thay kênh sách thì sử dụng kênh hình để các con được hướng dẫn và lĩnh hội ngay ở trên lớp.
“Học sinh giờ đa số học bán trú cả ngày ở trường, lại học rất nhiều môn học và phong phú hoạt động; do vậy, các đầu sách và tài liệu nhà trường chọn lựa kỹ và trọng tâm để vừa đảm bảo đúng quy định của chương trình, vừa tiết kiệm cho phụ huynh, vừa giảm tải cho các con”- chị Nguyễn Ngọc Duyên, phụ huynh có con hoc tiểu học tại huyện Sóc Sơn nêu ý kiến.
Giáo viên và phụ huynh cùng vào cuộc
Cho rằng vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong việc đồng hành cùng con khai thác, sử dụng hiệu quả sách và tài liệu, cô Nguyễn Mai Chi, giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông chia sẻ: “Các cuốn sách nhà trường đưa ra trong danh mục đều được sử dụng đúng, đủ thời lượng trong suốt thời gian năm học. Tuy nhiên, với môn học ít tiết, sách các con ít có thời gian học sẽ tạo cảm giác sách mới hơn nên nhiều phụ huynh không để ý sẽ nghĩ rằng con mình không được học”. Cô Mai Chi cũng thừa nhận rằng, một số sách bài tập như: Bài tập Đạo đức, Bài tập Âm nhạc…, có thể không cần thiết, không bắt buộc phải mua bởi các con chủ yếu nắm được kiến thức qua bài học cô truyền đạt hoặc các bài giảng và thực hành tại lớp, không nhất thiết phải viết lại vào vở bài tập.
“Mỗi buổi họp đầu năm, tôi đều thông báo rõ ràng cho phụ huynh về các môn học, tiết học các con thực hiện trong suốt thời gian năm học; đi cùng với đó là sách giáo khoa và tài liệu. Tôi cũng giơ cuốn sách lên đề phụ huynh nắm được và đề nghị bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích con đọc, nghiên cứu trước khi đến lớp, nhất là những cuốn kỹ năng mềm” - Cô Nguyễn Mai Chi, giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông bày tỏ.
Còn chị Phạm Thị Hà An, phụ huynh có hai con học tiểu học thì cho hay: "Tôi cũng nghe nhiều phụ huynh nói sao tên sách này lạ, sao tài liệu này không dùng, sao mua nhiều sách thế; nhưng tôi thấy cuốn sách nào các con cũng được học và cuốn nào cũng hay. Bố mẹ thực sự rất cần cùng con học, cùng con đọc và nghiên cứu tài liệu vì đó là những kiến thức rất gần gũi với cuộc sống”.
Theo nhà giáo Trần Thị Lâm, Hiệu trưởng trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, ở cấp THCS có rất nhiều tài liệu giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp được đưa vào nhà trường như: Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, an ninh an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục giới tính…. Các hoạt động này hầu hết là tài liệu cấp phát và nhà trường có rất nhiều hình thức để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh.
"Bên cạnh các tiết học và hoạt động trên lớp thì yêu cầu học sinh phải tự tìm hiểu, tự đọc, tự nghiên cứu thêm mới có thể hiểu hết ý nghĩa và thông điệp được truyền tải qua từng trang sách"- nhà giáo Trần Thị Lâm nhấn mạnh.